Loading...
Skip to main content

Báo cáo tóm tắt về công tác năm 2012 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2013 của ngành TAND

(18/01/2013 11:43)

HỘI ĐỒNG THẨM PHÁN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

-----------------

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – tự do – Hạnh phúc

-----------------

Hà nội, ngày 18 tháng 01 năm 2013

BÁO CÁO TÓM TẮT

VỀ CÔNG TÁC NĂM 2012 VÀ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM

CÔNG TÁC NĂM 2013 CỦA NGÀNH TÒA ÁN NHÂN DÂN

Năm 2012, mặc dù yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đối với ngành Tòa án nhân dân là rất nặng nề, nhưng được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành ở trung ương và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo của Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao; sự cố gắng khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ của toàn thể cán bộ, công chức và Hội thẩm ngành Tòa án nhân dân, nên công tác Tòa án trong năm qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực, về cơ bản ngành Tòa án nhân dân đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

I. VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ CÔNG TÁC

1. Về công tác chuyên môn nghiệp vụ

1.1. Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án

Toàn ngành đã giải quyết 332.868/360.941 vụ án các loại, đạt 92%; số vụ án còn lại hầu hết còn trong thời hạn và đang được tiếp tục giải quyết theo quy định của pháp luật. So với cùng kỳ năm trước, số vụ án đã thụ lý tăng 34.673 vụ; đã giải quyết tăng 33.559 vụ. (số liệu cụ thể về tình hình thụ lý, giải quyết các loại vụ án đã được nêu tại trang 2,4 và 5 của Báo cáo chính thức).

Mặc dù số lượng các vụ án tăng hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 10% nhưng do chủ động nắm bắt tình hình, đề ra nhiều biện pháp và tổ chức thực hiện nghiêm túc, quyết liệt trong toàn ngành, trong đó chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và kỷ luật công vụ cho cán bộ, công chức; tăng cường công tác kiểm tra; phát động các phong trào thi đua gắn với việc hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn..., nên công tác xét xử trong năm qua tiếp tục có sự chuyển biến tích cực. Chỉ tiêu xét xử các loại vụ án tiếp tục được bảo đảm; hầu hết các vụ án đều được giải quyết, xét xử trong thời hạn luật định. Chất lượng xét xử các loại vụ án tiếp tục được đảm bảo và nâng lên, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan về hình sự giảm 0,2%; về dân sự giảm 0,4% và về hành chính giảm 1,6%.

Nhìn chung, việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hình phạt áp dụng đối với các bị cáo đảm bảo nghiêm minh, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả của tội phạm. Nhiều vụ án lớn đặc biệt nghiêm trọng về an ninh quốc gia, mua bán trái phép chất ma túy, giết người, cướp tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng... đã được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh; đồng thời đã tổ chức 7.817 phiên tòa xét xử lưu động, đáp ứng yêu cầu chính trị và đấu tranh phòng, chống tội phạm của các địa phương cũng như cả nước.

Việc giải quyết các vụ việc dân sự và hành chính về cơ bản đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng và áp dụng đúng các quy định của pháp luật nội dung, nên đã bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của các bên đương sự; đồng thời các Tòa án đã làm tốt công tác hòa giải trong giải quyết các vụ việc dân sự và tổ chức tốt việc đối thoại trong giải quyết các vụ án hành chính, thông qua đó giúp cho việc giải quyết vụ án nhanh chóng, góp phần củng cố mối đoàn kết trong nội bộ nhân dân và tăng cường uy tín của cơ quan nhà nước.

Một số khuyết điểm, thiếu sót đã được tập trung khắc phục khá hiệu quả; đã hạn chế với tỷ lệ thấp nhất số lượng các vụ án để quá thời hạn xét xử; số lượng các trường hợp cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật chỉ chiếm 0,25% trên tổng số các bị cáo được Tòa án cho hưởng án treo và bằng 0,067% trên tổng số bị cáo đã xét xử; số lượng các bản án tuyên không rõ ràng giảm 600 trường hợp.

1.2. Công tác giám đốc kiểm tra và giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm

Năm 2012, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã giải quyết 6.078/10.541 đơn(vụ) đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm (bằng 58%), tăng hơn cùng kỳ năm trước 933 đơn(vụ). Hầu hết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị và các đơn bức xúc, kéo dài đã được tập trung giải quyết dứt điểm. Tòa án nhân dân tối cao đã nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp và kiến nghị của cử tri, Đại biểu Quốc hội, Đoàn Đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức để triển khai thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình theo hướng chú trọng nâng cao chất lượng, nhưng đồng thời không để quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Vì vậy, kết quả giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm không chỉ đạt tỷ lệ cao nhất trong những năm qua mà chất lượng việc xem xét đơn, quyết định kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm tiếp tục được bảo đảm, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp đã trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị giám đốc thẩm hoặc tái thẩm