Kính thưa Đồng chí Uông Chu Lưu, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam!
Kính thưa các vị khách quý và các đồng chí đại biểu!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Sau nửa ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, Đại hội thi đua yêu nước ngành Tòa án nhân dân lần thứ 2 đã thành công tốt đẹp.
Mặc dù thời gian không nhiều, nhưng Đại hội đã hoàn thành các nội dung, chương trình đề ra. Đại hội đã nghe và thảo luận Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước của ngành Tòa án nhân dân giai đoạn 2005-2010 do Đồng chí Trần Văn Tú, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Tòa án nhân dân trình bày. Một số báo cáo điển hình tiên tiến cũng được trình bày, trao đổi để tuyên truyền và học tập tại Đại hội. Đại hội cũng đã tiến hành việc trao tặng các hình thức khen thưởng cao và các danh hiệu thi đua cao quý theo các quyết định khen thưởng của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của ngành giai đoạn 2005-2010. Đặc biệt, Đại hội đã vinh dự được đón tiếp Đồng chí Uông Chu Lưu, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến dự Đại hội và phát biểu chỉ đạo đối với công tác thi đua khen thưởng của ngành Tòa án nhân dân.
Trên tinh thần quán triệt ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Uông Chu Lưu, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tiếp thu ý kiến thảo luận, đóng góp của các Đại biểu, sau khi trao đổi thống nhất trong lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Tòa án nhân dân, Tôi xin nhấn mạnh và kết luận về một số vấn đề như sau:
1. Về những thành tích, kết quả đã đạt được của ngành Tòa án nhân dân trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010, trước hết, có thể khẳng định rằng trong 5 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động tiêu cực của tình hình khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế nước ta; các thế lực thù địch trong và ngoài nước tăng cường các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước; tình hình tội phạm, tranh chấp dân sự và các khiếu kiện khác vẫn gia tăng…nhưng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, với sự cố gắng, nỗ lực, nêu cao tinh thần trách nhiệm của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức Tòa án các cấp, ngành Tòa án nhân dân đã cùng với các ngành, các cấp ra sức phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Với việc tổ chức xét xử có hiệu quả trên 240.000 vụ án/năm, bảo đảm chỉ tiêu, chất lượng và thời hạn xét xử theo quy định của pháp luật, ngành Tòa án nhân dân đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ ổn định chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, ngăn chặn lạm phát và suy giảm kinh tế, bảo đảm trật tự và an toàn xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng, mở rộng quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế…để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Đạt được thành tích nêu trên là do ngành Tòa án nhân dân đã áp dụng nhiều giải pháp quan trọng, trong đó có việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo tinh thần thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các đơn vị trong Ngành và các cụm thi đua đã tích cực hưởng ứng và có nhiều hình thức phong phú, sáng tạo trong việc trong việc tổ chức thực hiện phong trào thi đua xuyên suốt được Lãnh đạo và Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Tòa án nhân dân phát động là : “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đặc biệt, trong năm 2009, phong trào thi đua lập nhiều thành tích xuất sắc hướng tới kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước, đặc biệt là kỷ niệm 65 năm ngày tryền thống ngành Tòa án nhân dân (13/9/1945- 13/9/2010) và chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã được phát động sâu, rộng trong toàn ngành.
Việc phát động và tổ chức thực hiện nghiêm túc các phong trào thi đua nói trên với các khẩu hiệu, mục tiêu, nội dung và chỉ tiêu thi đua cụ thể tập trung vào việc phấn đấu hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trọng tâm công tác và các chỉ tiêu về công tác xét xử của ngành Tòa án nhân dân trong 5 năm qua đã thực sự tạo ra không khí thi đua sôi nổi, rộng khắp trong từng đơn vị với hầu hết các tập thể, cá nhân đăng ký phấn đấu đạt và vượt mức các chỉ tiêu công tác của ngành. Các phong trào thi đua thực sự trở thành động lực và có ý nghĩa rất quan trọng, thúc đẩy việc nâng cao chất lượng và hiệu quả các mặt công tác mà trọng tâm là hoạt động xét xử của các Tòa án. Trên thực tế, kết quả của việc phấn đấu hoàn thành, đạt và vượt mức các chỉ tiêu thi đua đã tạo ra những chuyển biến, tiến bộ rõ rệt trên các mặt công tác của ngành Tòa án nhân dân, cụ thể là: Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án hàng năm của ngành đều đạt và vượt chỉ tiêu đề ra (từ 90-95% trở lên đối với các vụ án hình sự và từ 85%-90 % trở lên đối với các vụ, việc dân sự và từ 80-85% trở lên đối với các vụ án hành chính), trong đó có nhiều Tòa án đạt 100%; chất lượng xét xử các loại vụ án ngày càng được nâng cao, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa nghiêm trọng năm sau đã giảm hơn năm trước; về cơ bản, các Tòa án đã khắc phục được tình trạng để án quá thời hạn luật định, hạn chế đến mức thấp nhất việc kết án oan người không có tội hoặc để lọt tội phạm. Công tác xây dựng ngành, trọng tâm là công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ cũng như công tác đầu tư xây dựng, cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện, phương tiện làm việc cho Tòa án các cấp có nhiều tiến bộ với các đề án lớn đang được xây dựng và triển khai thực hiện theo chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân tối cao, do đó, đã từng bước khắc phục tình trạng thiếu, yếu về đội ngũ cán bộ và cơ sở vật chất của các Tòa án. Các mặt công tác khác của Ngành như công tác hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, thông tin, tuyên truyền, thi đua khen thưởng cùng với các phong trào văn hóa, thể thao và các hoạt động xã hội đền ơn, đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, trẻ em khó khăn và đồng bào bị thiên tai, bão lũ ngày càng được tăng cường. Bên cạnh đó, ngành Tòa án nhân dân cũng đã hoàn thành một số nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp được giao theo đúng yêu cầu, kế hoạch và tiến độ đề ra như hoàn thành việc tăng thẩm quyền cho các Tòa án nhân dân cấp huyện vào tháng 7 năm 2009, hoàn thành việc xây dựng và trình Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương Đề án thành lập Tòa án sơ thẩm khu vực, Tòa án phúc thẩm, Tòa án thượng thẩm, đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân tối cao vào đầu năm 2010 để Ban Chỉ đạo tổng hợp, trình Bộ Chính trị thông qua vào tháng 7/2010 vừa qua.
Đặc biệt, trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2005-2010 đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình tiên tiến như đã được thể hiện trong Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước của ngành Tòa án nhân dân giai đoạn 2005-2010, trong đó có 7 tập thể và 01 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất; 19 tập thể và 12 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhì; 123 tập thể và 126 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba; 185 tập thể và 188 cá nhân được tặng thưởng Bằng khen Thủ tướng Chính phủ; 41 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của Chính phủ; 141 tập thể được tặng thưởng Cờ thi đua của ngành Tòa án nhân dân; 37 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và 559 cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Chiến sỹ thi đua ngành Tòa án nhân dân. Đó là những tập thể, cá nhân đầu tàu, gương mẫu trong việc khắc phục khó khăn, chủ động, sáng tạo trong công tác, hoàn thành xuất sắc, đạt và vượt các chỉ tiêu công tác được giao. Điển hình là các tập thể như: Tòa án nhân dân các tỉnh Quảng Nam, Bà Rịa- Vũng Tàu, Kiên Giang, Điện Biên, Thái Bình; Tòa án nhân dân các huyện Sơn Dương- tỉnh Tuyên Quang, Điện Bàn- tỉnh Quảng Nam, quận Thanh Khê- thành phố Đà Nẵng, thị xã Châu Đốc- tỉnh An Giang, huyện Thanh Sơn- tỉnh Phú Thọ…và các cá nhân như: Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Minh, Phó Chánh án Tòa án nhân dân quận Thanh Khê- thành phố Đà Nẵng, Đồng chí Lê Thị Toàn, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Ninh Hòa- tỉnh Khánh Hòa. Ngoài ra, còn có những gương người tốt, việc tốt, xứng đáng được tôn vinh mà đại diện điển hình là Đồng chí Nguyễn Thế Dũng, Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Giồng Trôm- tỉnh Bến Tre đã giữ vững phẩm chất đạo đức của người cán bộ Tòa án, nhiều lần không nhận hối lộ của đương sự. Những tập thể và cá nhân đó thực sự xứng đáng là hạt nhân của phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn vừa qua, nên cần được tuyên dương, tuyên truyền, học tập và nhân rộng trong toàn Ngàn
Những thành tích, kết quả nêu trên cho thấy sự trưởng thành, tiến bộ của công tác thi đua khen thưởng nói chung và phong trào thi đua yêu nước của ngành Tòa án nhân dân nói riêng. Vì vậy những thành tích, kết quả đó cũng như những bài học kinh nghiệm, những cách làm hay trong việc phát động, tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Ngành cần được duy trì, phát huy trong thời gian tới.
2. Về những tồn tại cần được khắc phục, rút kinh nghiệm, thông qua Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước của ngành Tòa án nhân dân giai đoạn 2005-2010 và qua tổng kết công tác thi đua và việc phát động, thực hiện các phong trào thi đua hàng năm cho thấy bên cạnh những thành tích cơ bản, toàn diện đã đạt được thì hiệu quả của công tác thi đua- khen thưởng và kết quả các phong trào thi đua vẫn còn những điểm hạn chế nhất định. Đó là tổ chức, cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng chậm được kiện toàn, bổ sung đầy đủ; phong trào thi đua trong toàn Ngành còn chưa đồng đều, chưa có những phong trào thi đua cụ thể trong từng lĩnh vực công tác và đối với từng đối tượng cán bộ, công chức; một số chỉ tiêu thi đua đề ra chưa cụ thể hoặc có vướng mắc khi vận dụng, thực hiện nhưng chậm được hướng dẫn, giải thích kịp thời; việc phát động, tổ chức thực hiện phong trào thi đua ở một số đơn vị còn mang tính hình thức, thiếu kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả không cao; việc bình xét, đề xuất khen thưởng còn nể nang, cào bằng giữa các tập thể, cá nhân; chưa chú trọng việc khen thưởng đột xuất đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc đặc biệt, nhiều gương điển hình tiên tiến chưa được phát hiện khen thưởng kịp thời để nhân rộng. Đặc biệt là chất lượng xét xử của một số đơn vị chưa đạt yêu cầu chỉ tiêu đề ra; tỷ lệ các vụ án nói chung bị huỷ, sửa vẫn còn ở mức cao… Bên cạnh phong trào thi đua thực hiện các mặt công tác chuyên môn, các phong trào khác nhằm hỗ trợ cho việc thực hiện công tác chuyên môn chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, chưa tạo ra được khí thế thi đua sôi nổi một cách toàn diện, sâu sắc, thường xuyên trong từng đơn vị cũng như từng cán bộ, công chức.
Những điểm còn tồn tại, bất cập nêu trên trong công tác thi đua khen thưởng và trong phong trào thi đua của Ngành đã làm hạn chế kết quả, hiệu quả cũng như những ý nghĩa tích cực của phong trào thi đua yêu nước trong Ngành, vì vậy, cần phải được nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc, tiếp tục phân tích tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục kịp thời.
3. Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn mới; trên cơ sở phát huy truyền thống vẻ vang của 65 năm xây dựng, phát triển ngành Toà án nhân dân, nhằm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng được yêu cầu của công cuộc Cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 NQ/TW của Bộ Chính trị; xây dựng Ngành Toà án nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo và Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Tòa án nhân dân yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao và Toà án các cấp quán triệt tới tất cả cán bộ, công chức về tinh thần, nội dung, kết quả của Đại hội này để tiếp tục tổ chức thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng và các phong trào thi đua theo phương hướng, nhiệm vụ cụ thể đề ra tại Đại hội và theo các yêu cầu, nội dung sau đây:
Một là, từng đơn vị, cá nhân phải quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản về công tác thi đua khen thưởng của Đảng, Nhà nước và của Ngành như: Chỉ thị số 39/CT-TW ngày 21/5/2004 của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng; Luật Thi đua, khen thưởng; Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về công tác thi đua khen thưởng; Chỉ thị số 02/CT-CA ngày 15-3-2010 của Chánh án Toà án nhân dân tối cao về công tác thi đua; biến các Chỉ thị, Nghị quyết đó thành hành động cụ thể nhằm hoàn thành có chất lượng các mặt công tác chuyên môn, cũng như các mặt công tác khác. Tiếp tục triển khai thực hiện tốt phong trào thi đua: “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư” với phương châm: “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với việc thực hiện giai đoạn 2 cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương phát động.
Hai là, công tác thi đua phải bám sát nhiệm vụ, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, khắc phục khó khăn, phấn đấu không để tình trạng án tồn đọng, không để tình trạng án quá hạn luật định mà không được xem xét, giải quyết, gây thiệt hại quyền lợi chính đáng của công dân, gây bức xúc trong nhân dân. Muốn vậy, mỗi Thẩm phán, cán bộ công chức thi đua làm thêm giờ, phát huy sáng kiến, nhằm đẩy mạnh tiến độ giải quyết các loại vụ án.
Thi đua nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án; kiên quyết không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm, kết án oan người không có tội; bảo đảm các phán quyết của Toà án phải nghiêm minh, đúng pháp luật. Đồng thời, không ngừng tu dưỡng rèn luyện nâng cao lập trường giai cấp, bản lĩnh chính trị, thi đua học tập nâng cao trình độ chuyên môn cũng như các loại kiến thức bổ trợ: Tin học, ngoại ngữ, quyền sở hữu trí tuệ... để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ngày càng cao đặt ra trong tình hình mới.
Các cấp Toà án phải kiên quyết tránh tư tưởng vì sợ mất thành tích thi đua, nên mặc dù là Toà án cấp dưới sai lầm nghiêm trọng nhưng không kháng nghị mà chỉ rút kinh nghiệm. Muốn nâng cao chất lượng giải quyết xét xử các loại vụ án thì cần phải nghiêm túc nhận rõ các sai lầm và sửa chữa. Toà án nhân dân cấp tỉnh phải nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác kiểm tra giám đốc việc xét xử của Toà án cấp dưới, đồng thời phải tự kiểm tra, quản lý, điều hành công tác xét xử của Toà án nhân dân tỉnh. Tăng cường công tác kiểm tra, giám đốc xét xử, đảm bảo chất lượng của công tác này cũng là một biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án.
Ba là, Phải chú trọng công tác xây dựng ngành toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức cán bộ; từng đơn vị phải làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức. Thực hiện tốt các mặt công tác cán bộ như: tuyển chọn cán bộ, xây dựng kế hoạch, quy hoạch cán bộ, thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bố trí sắp xếp cán bộ, đảm bảo thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ, thực hiện tốt chính sách cán bộ. Bên
cạnh đó, các đồng chí phải hết sức quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ chính trị, tin học, ngoại ngữ... của đội ngũ cán bộ- công chức và Hội thẩm. Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ công chức, nhằm khẳng định vị thế đối với xã hội. Muốn vậy, mỗi đơn vị, cá nhân phải đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát huy sáng kiến, phát hiện cách làm hay, gương người tốt việc tốt, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân lên các điển hình tiên tiến trong từng đơn vị, cụm thi đua và trong toàn Ngành.
Bốn là, Bên cạnh phong trào thi đua thực hiện các mặt công tác chuyên môn, từng đơn vị, cá nhân phải chú trọng, tích cực hưởng ứng và thực hiện các phong trào khác như: Phong trào văn hóa, thể thao, văn minh công sở... và các phong trào do địa phương phát động nhằm bảo đảm an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư và phát triển kinh tế xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Phong trào thi đua phải được duy trì thường xuyên, liên tục, có nhiều hình thức và biện pháp phong phú, linh hoạt, sống động, hấp dẫn thu hút được mọi lứa tuổi tham gia, tránh hình thức, lãng phí mà phong trào không mang lại hiệu quả.
Các đơn vị phải định kỳ sơ kết, rút kinh nghiệm, phát hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu về các mặt, có hình thức đề nghị khen thưởng đột xuất, động viên kịp thời, tuyên truyên, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng của Ngành như: Báo Công lý, Tạp chí Toà án nhân dân để nhân rộng trong toàn Ngành. Đồng thời, phải kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở các cấp Toà án; tập trung nâng cao năng lực cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng.
Hội đồng thi đua, khen thưởng của Ngành Toà án nhân dân phải xây dựng quy trình bình chọn và xét duyệt thi đua chặt chẽ, khoa học, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị, cụm thi đua; phổ biến công khai đến từng đơn vị, cá nhân trên cơ sở nội dung, tiêu chí thi đua đối với tập thể, cá nhân đã được nêu ra trong Hội nghị triển khai công tác năm 2010, Chỉ thị số 02/CT-CA ngày 15-03-2010 về công tác thi đua, khen thưởng. Từ đó mới có cơ sở bình chọn, xét duyệt chính xác các danh hiệu thi đua, đảm bảo khách quan, dân chủ, công bằng; chú ý khen thưởng cho cán bộ, công chức ở cấp cơ sở, cấp dưới. Những tập thể, cá nhân được tôn vinh các danh hiệu thi đua phải thật sự tiêu biểu, là tấm gương sáng trong toàn cụm, cũng như toàn Ngành học tập noi theo.
Để công tác thi đua- khen thưởng thực sự là động lực thúc đẩy hoạt động của Ngành, tránh hình thức, phô trương, lãng phí, Lãnh đạo TANDTC sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng xem xét, chỉnh sửa, bổ sung Công văn số 49/TA- TĐKT ngày 06-05-2008 về việc hướng dẫn công tác thi đua khen thưởng trong ngành Tòa án nhân dân cho phù hợp với thực tế công tác của Toà án nhân dân các địa phương. Các đơn vị trong toàn Ngành cần phát hiện những cá nhân, tập thể có thành tích tiêu biểu về các mặt, đề xuất khen thưởng kịp thời với các hình thức đột xuất và định kỳ; cần mạnh dạn đề xuất những hình thức khen thưởng cao như “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới” đối với những tập thể và cá nhân tiêu biểu, có thành tích xuất sắc trên các mặt công tác trong ngành Toà án nhân dân.
Thưa toàn thể các đồng chí!
Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”; Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ “Thi đua yêu nước là một phong trào có ý nghĩa to lớn nhưng không phải là cái gì khác thường mà nó thể hiện ngay trong công việc hàng ngày”. Học tập và làm theo lời dạy của Bác, trên cơ sở phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành Tòa án nhân dân qua quá trình 65 năm xây dựng và trưởng thành, từ ý nghĩa và kết quả của Đại hội này, chúng ta tin tưởng rằng công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước của ngành Tòa án nhân dân trong giai đoạn tới sẽ có nhiều chuyển biến, tiến bộ và đạt nhiều thành tích toàn diện hơn nữa. Với việc thực hiện nghiêm chỉnh các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về công tác thi đua khen thưởng và tích cực hưởng ứng, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, ngành Tòa án nhân dân quyết tâm tạo ra không khí thi đua sôi nổi mới để lập nhiều thành tích xuất sắc chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Nhân dịp này, thay mặt Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Ban tổ chức Đại hội, Tôi chân thành cảm ơn Đồng chí Uông Chu Lưu, ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội đã quan tâm tới công tác của ngành Tòa án nhân dân và có ý kiến chỉ đạo cụ thể tại Đại hội này; xin cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo các ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và thành phố Hà Nội, các đồng chí đại biểu và các vị khách quý đã quan tâm, phối hợp công tác chặt chẽ với ngành Tòa án nhân dân và tham dự Đại hội; xin cảm ơn các đồng chí trong Ban tổ chức Đại hội, các đồng chí phục vụ cho Đại hội, các phóng viên của Đài truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các báo, đài của trung ương và địa phương đã theo dõi và đưa tin về Đại hội.
Một lần nữa, Tôi xin kính chúc các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các vị khách quý, các đồng chí đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khỏe, hạnh phúc, đạt nhiều thành tích mới trong công tác.
Với tinh thần nêu trên, thay mặt Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao và Ban Tổ chức Đại hội, Tôi xin tuyên bố bế mạc Đại hội thi đua yêu nước ngành Tòa án nhân dân lần thứ hai.
Xin trân trọng cảm ơn.