VBQPPL: - BLTTDS (Điều 313 và Chương X Phần Thứ nhất) |
● Sau khi Tòa án thụ lý việc dân sự, Thư ký thực hiện những công việc giúp Thẩm phán như: Yêu cầu người yêu cầu viết bản tự khai; ghi biên bản lấy lời khai, biên bản xác minh, dự thảo các văn bản tố tụng như Quyết định trưng cầu giám định, Công văn yêu cầu cung cấp chứng cứ...
● Nếu người yêu cầu có nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Thư ký căn cứ vào khoản 2 Điều 63 BLTTDS để xem người được người yêu cầu nhờ có đủ điều kiện để được Tòa án chấp nhận làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người yêu cầu hay không:
- Nếu không đủ điều kiện thì giải thích cho người yêu cầu biết.
- Nếu đủ điều kiện thì báo cáo với Thẩm phán được phân công giải quyết đơn yêu cầu xem xét cấp Giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự.
● Thư ký phải cập nhật, phân loại và sắp xếp các tài liệu, chứng cứ Tòa án thu thập được và các văn bản tố tụng liên quan đến việc dân sự đang giải quyết, đánh dấu và ghi số bút lục từng tài liệu; đồng thời phải lập bảng kê bút lục và mỗi lần cập nhật tài liệu thì đều phải ghi ngay vào bảng kê bút lục, tuyệt đối không được để đến khi hồ sơ hoàn thiện xong mới lập bảng kê. Bảng kê bút lục thông thường được bố trí làm 5 cột, theo thứ tự từ trái sang phải, gồm: Cột thứ tự (ghi số thứ tự tài liệu), cột tên tài liệu (ghi đầy đủ, cụ thể tên tài liệu và nguồn tài liệu, ví dụ: Biên bản xác minh tại UBND xã A), cột thời gian (ghi ngày, tháng, năm ban hành hoặc thu thập tài liệu), cột số bút lục (ghi số bút lục của tài liệu) và cột ghi chú (ghi hình thức của tài liệu là bản gốc, bản chính hay bản phô tô… và các ghi chú cần thiết khác). Theo thông lệ xây dựng hồ sơ và sắp xếp tài liệu, chứng cứ hồ sơ vụ việc dân sự từ trước đến nay thì hồ sơ thường được sắp xếp thành 4 tập. Vì vậy, hồ sơ việc dân sự cũng có thể được sắp xếp như hồ sơ vụ án dân sự, tức là bao gồm các tập sau:
- Tập hình thức: Gồm các văn bản về thủ tục tố tụng như giấy báo, giấy triệu tập, biên bản tống đạt, biên bản niêm yết, biên bản giao nhận tài liệu, chứng cứ, biên bản giao nhận hồ sơ, giấy ủy quyền, thủ tục về người bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho đương sự, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự…
- Tập chứng cứ: Gồm các tài liệu là nguồn chứng cứ có ý nghĩa quyết định đến việc giải quyết đúng đắn việc dân sự. Theo đó, tài liệu, chứng cứ do đương sự xuất trình (bao gồm đơn yêu cầu và các tài liệu, chứng cứ do đương sự xuất trình) và tài liệu, chứng cứ do Tòa án thu thập (bao gồm bản tự khai của đương sự, biên bản ghi lời khai, biên bản hòa giải, biên bản xác minh, kết luận giám định, văn bản trả lời của cơ quan chức năng…) được sắp xếp vào tập này.
- Tập tài liệu tham khảo: Gồm các tài liệu có giá trị tham khảo trong quá trình Tòa án giải quyết việc dân sự, như luận cứ của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đương sự, các giấy từ liên quan đến nhân thân của đương sự (bản sao hộ khẩu, giấy chứng minh nhân dân, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, giấy khai tử…).
- Tập quyết định: Gồm Biên bản phiên họp giải quyết việc dân sự, Quyết định giải quyết việc dân sự hoặc Quyết định đình chỉ việc giải quyết việc dân sự, Quyết định hoãn phiên họp giải quyết việc dân sự (nếu có).
● Căn cứ vào lịch giải quyết việc dân sự của Tòa án, Thư ký dự thảo Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự trình Thẩm phán được phân công giải quyết ký, đóng dấu và lấy số hiệu văn bản, sau đó gửi (hoặc giao trực tiếp) Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và hồ sơ việc dân sự cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Trong trường hợp trực tiếp giao hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp thì phải lập biên bản giao nhận hồ sơ theo bảng kê bút lục danh mục tài liệu đã thống kê; còn trong trường hợp gửi hồ sơ qua đường bưu điện thì phải vào Sổ giao nhận hồ sơ để theo dõi.
● Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chỉ được nghiên cứu hồ sơ trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, nên Thư ký phải theo dõi chặt chẽ về thời hạn Viện kiểm sát nghiên cứu hồ sơ, đảm bảo không ảnh hưởng đến lịch mở phiên họp giải quyết việc dân sự đã dự kiến.
● Khi nhận được hồ sơ do Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chuyển trả, phải kiểm tra các tài liệu có trong hồ sơ, đối chiếu với bảng kê bút lục, nếu tài liệu hồ sơ đã đầy đủ thì vào Sổ giao nhận hồ sơ, nếu tài liệu hồ sơ chưa đầy đủ thì kiên quyết không nhận hồ sơ, đồng thời yêu cầu Viện kiểm sát khẩn trương khắc phục.
● Sau khi nhận được hồ sơ đầy đủ tài liệu do Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp chuyển trả, Thư ký làm giấy triệu tập người có đơn yêu cầu hoặc người đại diện hợp pháp, những người có liên quan, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch tham gia phiên họp, trình Thẩm phán ký, đóng dấu và lấy số hiệu văn bản, sau đó gửi hoặc tống đạt cho những người được triệu tập.
● Việc tống đạt giấy triệu tập phải được thực hiện theo đúng các quy định tại Chương X Phần Thứ nhất BLTTDS.