● Thời hạn chuẩn bị xét xử được tính từ ngày Thẩm phán được phân công làm Chủ tọa phiên tòa nhận được hồ sơ vụ án đến ngày mở phiên tòa xét xử vụ án.
● Căn cứ vào Điều 176 BLTTHS; tiểu mục 1.2 mục 1 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP thì thời hạn chuẩn bị xét xử trong các trường hợp cụ thể được tính như sau:
- Đối với tội phạm ít nghiêm trọng, thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa không quá 45 ngày.
- Đối với tội phạm nghiêm trọng, thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa không quá hai tháng.
- Đối với tội phạm rất nghiêm trọng, thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa không quá hai tháng mười lăm ngày.
- Đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, thời hạn chuẩn bị xét xử tối đa không quá ba tháng mười lăm ngày.
● Đối với vụ án phức tạp theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP thì cần gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử khi thuộc một trong các trường hợp sau:
- Vụ án có nhiều bị can, phạm tội có tổ chức hoặc phạm nhiều tội;
- Vụ án liên quan đến nhiều lĩnh vực hoặc nhiều địa phương;
- Vụ án có nhiều tài liệu, có các chứng cứ mâu thuẫn với nhau, cần có thời gian để nghiên cứu, tổng hợp các tài liệu có trong hồ sơ vụ án hoặc để tham khảo ý kiến của cơ quan chuyên môn.
Thời hạn tối đa để chuẩn bị xét xử trong các trường hợp này được tính như sau:
- Hai tháng đối với tội phạm ít nghiêm trọng.
- Hai tháng mười lăm ngày đối với tội phạm nghiêm trọng.
- Ba tháng mười lăm ngày đối với tội phạm rất nghiêm trọng.
- Bốn tháng mười lăm ngày đối với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Trong trường hợp này, căn cứ vào khoản 2 Điều 176 BLTTHS, tiểu mục 1.3 mục 1 phần I Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP, Thư ký giúp Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên toà soạn thảo Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử trình Chánh án hoặc Phó Chánh án ký. Quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử phải được làm đúng theo mẫu số 04đ ban hành kèm theo Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP và phải được thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, giao cho bị can và lưu vào hồ sơ vụ án.