● Căn cứ vào Điều 245 BLTTHS và hướng dẫn tại mục 3 Phần II Nghị quyết số 05/2005/NQ-HĐTP để xác định những người tham gia phiên toà phúc thẩm. Trên cơ sở đó, trao đổi với Thẩm phán chủ tọa phiên toà về việc triệu tập người tham gia tố tụng từ đú dự thảo giấy triệu tập những người tham gia đến phiên toà phúc thẩm bằng văn bản và tuỳ vào từng đối tượng cụ thể mà có hình thức văn bản phù hợp (nếu đã có mẫu văn bản thì phải làm đúng theo mẫu đã được ban hành).
- Đối với bị cáo:
+ Đối với bị cáo đang bị tạm giam: Làm lệnh trích xuất bị cáo từ trại tạm giam tới phiên toà (hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn về mẫu Lệnh trích xuất) gửi Phòng cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Ban giám thị trại tạm giam nơi bị cáo đang bị giam giữ.
+ Đối với các bị cáo đã đi cải tạo tại các trại cải tạo thuộc quyền quản lý của Tổng cục Quản lý trại giam, Bộ Công an thì phải làm công văn gửi Phòng PC81 (65) Công an tỉnh, thành phố nơi Toà án xét xử phúc thẩm yêu cầu trích xuất bị cáo về trại tạm giam để đảm bảo cho việc trích xuất bị cáo đến phiên toà.
+ Đối với bị cáo tại ngoại và các đương sự khác: khi dự thảo giấy triệu tập cần kiểm tra chính xác nơi cư trú bởi vì giữa nơi đăng ký nhân khẩu thường trú, tạm trú và nơi ở có thể có sự khác nhau.
- Đối với người làm chứng: Người làm chứng là người bị kết án đã đi thi hành án hoặc bị tạm giam trong vụ án khác và đang giam tại một nơi khác địa bàn thì thủ tục thực hiện như việc trích xuất bị cáo đã đi cải tạo. Những người làm chứng khác triệu tập bình thường.
- Đối với người giám định, người phiên dịch: theo quy định tại Điều 60 và Điều 61 của BLTTHS thì làm giấy mời người giám định, người phiên dịch tham gia tố tụng tại phiên toà.
- Đối với bị cáo thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 57 BLTTHS thì làm công văn yêu cầu Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sư cử người bào chữa cho họ hoặc đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử người bào chữa cho thành viên của tổ chức mình.
- Đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự tham gia tố tụng: gửi giấy triệu tập hoặc thông báo cho họ biết thời gian, địa điểm mở phiên toà.
● Việc triệu tập những người tham gia tố tụng tại phiên toà còn được thực hiện thông qua việc nhờ Toà án, UBND xã, phường nơi bị cáo cư trú giao giấy triệu tập hoặc niêm yết giấy triệu tập.
● Trong những trường hợp bị cáo, người làm chứng cố tình không đến phiên toà theo giấy triệu tập thì theo quyết định của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa hoặc của Hội đồng xét xử Thư ký phải dự thảo Quyết định áp giải bị cáo, quyết định dẫn giải người làm chứng.
● Đối với 3 Toà phúc thẩm của Toà án nhân dân tối cao và Toà án nhân dân cấp tỉnh thì ngoài việc xét xử tại trụ sở còn có thể phải xét xử lưu động ở địa phương nên trong thời gian chuẩn bị phiên toà Thư ký còn phải dự thảo các công văn gửi Toà án nơi mở phiên toà về việc bố trí phiên toà; Trại tạm giam nơi các bị cáo đang bị giam giữ về việc trích xuất bị cáo; Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp nơi mở phiên toà về việc dẫn giải bị cáo và bảo vệ phiên toà; Công văn gửi Đoàn luật sư (kèm theo các công văn này là lịch phiên toà).
Lưu ý: Giấy triệu tập người tham gia tố tụng phải được gửi chậm nhất là 15 ngày trước ngày mở phiên toà.