VBQPPL: - BLTTDS (các điều 73, 164, 169, 171) - BLDS (các điều 92, 107, 141, 161); - Luật doanh nghiệp (Điều 143 và Điều 158); - Pháp lệnh APLPTA (các điều 11, 13, 25); - Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006; - Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP - Công văn số 38/VKHXX ngày 29/3/2007 của Tòa án nhân dân tối cao |
Khi đương sự nộp biên lai đã nộp tiền tạm ứng án phí thì Thư ký Tòa án phải vào Sổ thụ lý vụ án, ghi số và ngày tháng năm thụ lý trên bìa hồ sơ.
Cách ghi trên bìa hồ sơ theo mẫu in sẵn thống nhất. Việc xác định đúng tư cách đương sự và quan hệ tranh chấp để ghi cho đúng là rất quan trọng. Để làm được việc này Thư ký không những phải nắm vững các quy định của pháp luật mà còn phải trao đổi với Thẩm phán để xác định tư cách của các đương sự và quan hệ pháp luật cho đúng.
Lưu ý:
- Trong các vụ án có các đương sự là doanh nghiệp tư nhân, phải xác định chủ doanh nghiệp tư nhân (chứ không phải là doanh nghiệp tư nhân) là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (khoản 3 Điều 143 Luật doanh nghiệp năm 2005).
- Trong các vụ án có các đương sự là pháp nhân, phải xác định nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là pháp nhân; còn chi nhánh, đội,… là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân chứ không phải là pháp nhân nên không thể tham gia tố tụng với tư cách là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án (Điều 92 BLDS; Điều 73 BLTTDS; tiểu mục 1.4 và điểm c tiểu mục 1.5 mục 1 Phần I của Nghị quyết số 02/2006/NQ-HĐTP; Công văn số 38/VKHXX ngày 29/3/2007 của Tòa án nhân dân tối cao).
- Trong các vụ án có hộ gia đình, thì phải xác định nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là chủ hộ gia đình (Điều 107, khoản 5 Điều 141 BLDS).
- Trong các vụ án mà Doanh nghiệp phải giải thể do bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, nếu bị kiện do còn các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán thì người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách hiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh phải tham gia tố tụng với tư cách bị đơn (khoản 6 Điều 158 Luật doanh nghiệp 2005 và khoản 6 Điều 46 Nghị định 88/2006/NĐ-CP ngày 29/8/2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh và cơ quan đăng ký kinh doanh).
- Trong trường hợp thành viên công ty khởi kiện Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc cổ đông khởi kiện Chủ tịch Hội đồng quản trị) trong hoạt động điều hành của công ty, nếu theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và Điều lệ của công ty quy định Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị) là người đại diện theo pháp luật của công ty thì bị đơn trong vụ kiện là công ty. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị) không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty và khi thực hiện các quyền, nhiệm vụ của mình theo quy định tại khoản 2 Điều 49, khoản 2 Điều 111 Luật doanh nghiệp 2005 đã có sai phạm, xâm phạm đến quyền lợi của thành viên công ty thì bị đơn trong vụ kiện là cá nhân Chủ tịch Hội đồng thành viên (hoặc Chủ tịch Hội đồng quản trị).