Loading...
Skip to main content

Lượt xem: 148
1.1.2. Xử lý đơn khởi kiện

Thời hạn xử lý đơn khởi kiện

- Theo quy định tại Điều 107 LTTHC thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, một Thẩm phán được Chánh án Toà án phân công xem xét đơn khởi kiện. Để thực hiện đúng thời hạn nói trên, cuối ngày nhận đơn khởi kiện và vào Sổ nhận đơn, Thư ký được phân công nhận đơn phải chuyển đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Chánh án hoặc Phó chánh án phụ trách để phân công Thẩm phán xem xét đơn.

- Trong trường hợp Thư ký được Thẩm phán giao nhiệm vụ giúp Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện và tài liệu kèm theo, thì cần xem xét đơn khởi kiện phải có đủ các nội dung theo quy định tại Điều 105 LTTHC, việc khởi kiện phải còn thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 104 LTTHC, người nộp đơn khởi kiện phải đủ tư cách khởi kiện theo LTTHC và Luật khiếu nại, tố cáo. Ngoài ra, Thư ký còn phải giúp Thẩm phán kiểm tra xem các tài liệu, chứng cứ người khởi kiện nộp kèm theo đơn khởi kiện đã đầy đủ hay chưa; có thuộc thẩm quyền của Toà án hay không.

Thông báo cho đương sự.

- Sau khi xem xét đơn khởi kiện nếu xét thấy vụ án hành chính thuộc thẩm quyền thì phải thông báo cho người khởi kiện biết. Thư ký phải có trách nhiệm gửi thông báo của Toà án cho đương sự biết. Trường hợp gửi trực tiếp cho đương sự phải có biên bản giao nhận thông báo và có chữ ký của người được nhận (phải ghi rõ ngày, tháng, năm nhận và họ tên người nhận thông báo). Trong trường hợp có người nhận thay phải ghi rõ là “NHẬN THAY”. Biên bản giao nhận cũng được lưu giữ vào hồ sơ của vụ việc.

- Trường hợp gửi bằng đường công văn, phải gửi bằng thư bảo đảm có báo phát nhằm ghi nhận ngày, giờ gửi và nhận thông báo.

Bổ sung đơn khởi kiện.

- Sau khi Toà án xem xét đơn khởi kiện đã có đầy đủ các nội dung chính quy định tại Điều 105 LTTHC hay không để yêu cầu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, nếu đơn khởi kiện được làm chưa đúng, chưa có đầy đủ các nội dung chính theo quy định. Thư ký có trách nhiệm gửi thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện cho người gửi đơn khởi kiện biết để bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện (trong thông báo phải ghi rõ là trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người khởi kiện phải có nghĩa vụ bổ sung đơn khởi kiện, cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ). Việc yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 108 LTTHC (Điều 13 Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP).

Trong thời hạn 10 ngày nếu người khởi kiện sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hoặc cung cấp tài liệu, chứng cứ đầy đủ theo yêu cầu của Tòa án, thì Thư ký báo cáo lại với Thẩm phán để tiếp tục thụ lý. Trường hợp người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện hay cung cấp thêm tài liệu, chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án, Thư ký báo cáo với Thẩm phán để làm thủ tục trả lại đơn khởi kiện.

Trả lại đơn khởi kiện.

- Sau khi đối chiếu với các quy định tại các khoản 1 Điều 109 LTTHC xét thấy đơn khởi kiện không đủ điều kiện để thụ lý vụ án, thì Thư ký phải dự thảo Thông báo trả lại đơn khởi kiện trong đó nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện và trình lên Thẩm phán để xem xét việc trả hồ sơ. Thông báo trả lại đơn khởi kiện phải nêu rõ là trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được Thông báo, người khởi kiện có quyền khiếu nại theo quy định tại Điều 110 LTTHC.

- Sau khi Thẩm phán ký Thông báo trả đơn khởi kiện, Thư ký có trách nhiệm gửi văn bản cho người khởi kiện theo hình thức tống đạt trực tiếp hoặc gửi bằng thư bảo đảm. Việc trả lại đơn khởi kiện phải được lập biên bản và bàn giao chứng cứ theo quy định của pháp luật. Trước khi trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện, Thư ký phải phô-tô lại toàn bộ đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo và đưa vào lưu trữ để dự phòng trường hợp người khởi kiện có đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện.

- Thông báo trả lại đơn khởi kiện cũng phải gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khi giao nhận Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát cũng phải ký nhận vào sổ bàn giao công văn.

Giải quyết việc khiếu nại, tố cáo và kiến nghị của Viện kiểm sát liên quan đến việc trả lại đơn khởi kiện.

- Trường hợp người khởi kiện có đơn khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện hoặc đơn tố cáo Thẩm phán hay cán bộ Tòa án, thì Thư ký được giao nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo cho lãnh đạo Tòa án để phục vụ cho việc trả lời đơn khiếu nại, tố cáo. Hồ sơ gồm có đơn khiếu nại hoặc đơn tố cáo, toàn bộ hồ sơ phô-tô đơn khởi kiện và các tài liệu, chứng cứ kèm theo, thông báo trả lại đơn khởi kiện. Kèm theo hồ sơ Thư ký xin lịch tiếp người khiếu nại, tố cáo và viết giấy triệu tập (giấy báo phiên tòa) đương sự đến trụ sở Tòa án để lãnh đạo Tòa án tiếp đương sự và làm rõ những vấn đề liên quan đến việc khiếu nại, tố cáo.

- Sau khi lãnh đạo Tòa án có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, thì Thư ký tiến hành việc triệu tập đương sự đến Tòa án nhận quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc tống đạt cho đương sự thông qua đường bưu điện. Việc tống đạt quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo gửi trực tiếp cho đương sự phải có biên bản giao nhận và có chữ ký của người nhận (phải ghi rõ ngày, tháng, năm nhận và họ tên người nhận). Trong trường hợp có người nhận thay phải ghi rõ là “NHẬN THAY”. Biên bản giao nhận cũng được lưu giữ vào hồ sơ của vụ việc.

Trường hợp gửi bằng đường công văn, phải gửi bằng thư bảo đảm có báo phát nhằm ghi nhận ngày, giờ gửi và nhận Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Cập nhật lần cuối: 08/09/2018 00:00:00

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO NƯỚC CHXHCN VIỆT NAM - SỔ TAY THƯ KÝ TÒA ÁN

Truy cập trong ngày:

Tổng số lượng truy cập:

Địa chỉ : 48 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại : 04.39363528 • Fax : 04.39363528
Email: banbientap@toaan.gov.vn , sotaythuky@toaan.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Ngô Tiến Hùng - Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.

Giấy phép cung cấp thông tin trên Internet số 184/GP-TTĐT của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ghi rõ nguồn Cổng thông tin điện tử TANDTC (www.toaan.gov.vn) khi trích dẫn lại tin từ địa chỉ này.
Bản quyền thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

cdscv