3.3. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Hội thẩm
VBQPPL:
- Luật Tổ chức TAND (các điều 84, 87, 88, 89 và 91)
- BLTTHS (Điều 53)
- BLTTDS (Điều 52)
- Luật TTHC (Điều 46)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội thẩm:
- Hội thẩm thực hiện nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền theo phân công của Chánh án Toà án nơi mình được bầu hoặc cử làm Hội thẩm (khoản 2 và khoản 3 Điều 84 Luật Tổ chức TAND).
- Hội thẩm có nghĩa vụ thực hiện sự phân công của Chánh án Toà án, trường hợp không thực hiện được thì phải nêu rõ lý do (khoản 4 Điều 84 Luật Tổ chức TAND).
- Hội thẩm phải từ chối tham gia xét xử hoặc bị thay đổi trong các trường hợp do pháp luật tố tụng quy định (Điều 53 BLTTHS, Điều 52 BLTTDS, Điều 46 Luật TTHC).
- Khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ, Hội thẩm tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Hội đồng nhân dân khoá mới bầu được Hội thẩm mới (khoản 1 Điều 87 Luật Tổ chức TAND).
- Hội thẩm được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Toà án (khoản 1 Điều 88 Luật Tổ chức TAND).
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân có người được bầu hoặc cử làm Hội thẩm có trách nhiệm tạo điều kiện để Hội thẩm làm nhiệm vụ. Trong thời gian Hội thẩm làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án thì cơ quan, tổ chức, đơn vị vũ trang nhân dân có Hội thẩm đó không được điều động, phân công Hội thẩm làm việc khác, trừ trường hợp đặc biệt và phải thông báo cho Chánh án Tòa án biết (khoản 4 Điều 91 Luật Tổ chức TAND).
• Trách nhiệm của Hội thẩm (Điều 89 Luật Tổ chức TAND)
- Trung thành với Tổ quốc, gương mẫu chấp hành Hiến pháp và pháp luật;
- Tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do luật tố tụng quy định;
- Độc lập, vô tư, khách quan trong xét xử, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân;
- Tôn trọng nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân;
- Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật;
- Tích cực học tập để nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử;
- Chấp hành nội quy, quy chế của Tòa án;
- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật;
- Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của pháp luật