VBQPPL:
- Luật TTHC (các điều 119, 120 và 121)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
• Phải có sổ nhận đơn để ghi ngày, tháng, năm nhận đơn khởi kiện làm căn cứ xác định ngày khởi kiện và xem xét thời hiệu khởi kiện còn hay hết.
• Thủ tục nhận đơn được thực hiện như sau:
- Trường hợp người khởi kiện trực tiếp nộp đơn tại Tòa án thì ghi ngày, tháng, năm người khởi kiện nộp đơn vào sổ nhận đơn. Ngày khởi kiện là ngày nộp đơn;
- Trường hợp người khởi kiện gửi đơn đến Tòa án qua dịch vụ bưu chính thì ghi ngày, tháng, năm nhận đơn do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến vào sổ nhận đơn và ngày, tháng, năm đương sự gửi đơn theo ngày, tháng, năm có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi đơn. Phong bì có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính phải được đính kèm đơn khởi kiện. Ngày khởi kiện là ngày có dấu của tổ chức dịch vụ bưu chính nơi gửi;
- Trường hợp không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính nơi gửi thì Tòa án phải ghi chú trong sổ nhận đơn là: “Không xác định được ngày, tháng, năm theo dấu bưu chính”. Trong trường hợp này, ngày khởi kiện là ngày đương sự gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính, nếu đương sự chứng minh được ngày mình gửi đơn tại tổ chức dịch vụ bưu chính; trường hợp đương sự không chứng minh được thì ngày khởi kiện là ngày Tòa án nhận được đơn do tổ chức dịch vụ bưu chính chuyển đến;
- Trường hợp nhận đơn trực tuyến thì Tòa án in ra bản giấy và ghi vào sổ nhận đơn.
• Ghi ngày, tháng, năm nhận đơn vào góc trên bên trái của đơn khởi kiện.
• Việc nhận đơn phải ghi vào sổ nhận đơn và thông báo trên cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).
• Cấp giấy xác nhận đã nhận đơn:
- Cấp ngay (trường hợp nhận đơn khởi kiện nộp trực tiếp);
- Trả lời qua thư điện tử (trường hợp nhận đơn trực tuyến);
- Gửi thông báo nhận đơn trong thời hạn 02 ngày làm việc (trường hợp nhận đơn qua dịch vụ bưu chính).