VBQPPL:
- BLLĐ (Mục 1 và Mục 4 Chương III)
- BLTTDS (Điều 41, 42)
- Nghị định số 145/2020/NĐ-CP (Mục 3)
Công việc chính và kỹ năng thực hiện:
Xem xét nội dung thoả thuận trong HĐLĐ (hay bằng lời nói hoặc thông điệp dữ liệu điện tử) giữa NLĐ và NSDLĐ (về loại hợp đồng, công việc, địa điểm, lương, bảo hiểm xã hội, điều kiện khác...) với quy định của pháp luật lao động, có trái với thoả ước lao động tập thể hoặc pháp luật lao động hay không. Nếu trái (một phần hoặc toàn bộ) thì tuyên bố HĐLĐ vô hiệu từng phần hoặc toàn bộ (Điều 49, Điều 51 BLLĐ).
· HĐLĐ vô hiệu khi:
- Nội dung hợp đồng trái pháp luật hoặc hợp đồng quy định quyền lợi của NLĐ thấp hơn quy định của pháp luật, nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc làm hạn chế các quyền khác của NLĐ;
- Người ký kết hợp đồng không đúng thẩm quyền hoặc hợp đồng được ký với người không phải là đại diện theo pháp luật (cha, mẹ hoặc người giám hộ khác) của NLĐ dưới 15 tuổi;
- Công việc trong hợp đồng bị pháp luật cấm;
- Nội dung hợp đồng hạn chế hoặc ngăn cản quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn của NLĐ.
· Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu từng phần thì xử lý như sau:
- Quyền, nghĩa vụ và lợi ích của hai bên được giải quyết theo thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng; trường hợp không có thỏa ước lao động tập thể thì thực hiện theo quy định của pháp luật;
- Hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung phần của HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để phù hợp với thỏa ước lao động tập thể hoặc pháp luật về lao động.
· Khi HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ thì quyền, nghĩa vụ và lợi ích của NLĐ được giải quyết theo quy định của pháp luật; trường hợp do ký sai thẩm quyền thì hai bên ký lại.
· Nếu không ký được hợp đồng mới thì NSDLĐ trả cho NLĐ một khoản tiền do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất mỗi năm làm việc bằng một tháng lương tối thiểu vùng tại thời điểm hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu.
· Riêng hợp đồng vô hiệu một phần do điều khoản về tiền lương thấp hơn quy định của pháp luật về lao động, thỏa ước lao động tập thể đang áp dụng thì hai bên phải thỏa thuận lại mức lương cho đúng quy định và NSDLĐ có trách nhiệm xác định phần chênh lệch giữa tiền lương đã thỏa thuận lại so với tiền lương trong HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu để hoàn trả cho NLĐ tương ứng với thời gian làm việc thực tế theo HĐLĐ bị tuyên bố vô hiệu (khoản 2 Điều 9, Mục 3 Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.
· Lưu ý: Theo quy định tại Điều 151 BLLĐ nếu NLĐ là người nước ngoài thì phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cấp, trừ trường hợp quy định tại Điều 154 BLLĐ. Do đó, Toà án cần tuyên bố HĐLĐ vô hiệu nếu khi ký kết HĐLĐ đó NLĐ là người nước ngoài không có giấy phép lao động hoặc giấy phép lao động đã hết hạn.