Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công tác Toà án
GỬI HỘI NGHỊ TƯ PHÁP TOÀN QUỐC (2- 1948)
(Trích)
...
Tư pháp là một cơ quan trọng yếu của chính quyền, cho nên càng phải tinh thành đoàn kết, hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khác, để tránh những mối xích mích lẫn nhau, nó có thể vì quyền lợi nhỏ và riêng mà hại đến quyền lợi to và chung, cho cả tư pháp và hành chính.
Các bạn là những người phụ trách thi hành pháp luật. Lẽ tất nhiên các bạn cần phải nêu cao cái gương "Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư" cho nhân dân noi theo.
(Những lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, Tập I, NXB Sự thật, 1958, trang 235).
BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ HỌC TẬP CỦA CÁN BỘ NGÀNH TƯ PHÁP (1950)
(Trích)
… Luật pháp là vũ khí của một giai cấp thống trị, dùng để trừng trị giai cấp chống lại mình; luật pháp cũ là ý chí của thực dân Pháp, không phải là ý chí chung của toàn thể nhân dân ta. Luật pháp cũ đặt ra để giữ gìn trật tự xã hội thật, nhưng trật tự xã hội ấy chỉ có lợi cho thực dân, phong kiến, không phải có lợi cho toàn thể nhân dân đâu. Luật pháp đặt ra trước hết là để trừng trị, áp bức. Phong kiến đặt ra luật pháp để trị nông dân. Tư bản đặt ra luật pháp để trị công nhân và nhân dân lao động… Luật pháp của chúng ta hiện nay là ý chí của giai cấp công nhân lãnh đạo cách mạng.. Một điều nữa các chú cần nhớ là, giai cấp thống trị sử dụng luật pháp kết hợp với những cái khác… Luật pháp của các giai cấp bóc lột đặt ra để áp bức các giai cấp bị bóc lột. Nếu để nó đứng một mình thì bộ mặt áp bức của nó lộ rõ quá. Cho nên giai cấp phong kiến cho nó dựa vào cái khác. Cái ấy là cái gì?
- Phong kiến cho luật pháp dựa vào đạo đức của nó. Đạo đức của phong kiến chủ yếu là cương thường: Tôn vua, kính thầy, hiếu cha. Vua là cương của thầy, thầy là cương của trò, cha là cương của con.
Đó là cái kiềng ba chân. Ba chân ấy dựa vào nhau, hỗ trợ cho nhau. Phong kiến đặt vua lên đầu, rồi mới đến thầy, đến cha. Nó giáo dục cho nhân dân coi vua là tôn kính nhất, thiêng liêng nhất, phải được sùng bái nhất. Nó tuyên truyền vua là con trời, thay trời để cai trị dân, mưu cầu hạnh phúc cho dân, làm mê hoặc nhân dân tức là nông dân, luật pháp dựa vào đạo đức, mặt khác luật pháp bảo vệ đạo đức. Trong luật Gia Long cũ của nước ta, có một điều quy định rằng kẻ nào chạy qua đường khi vua đi qua là phạm tội. Tội ấy là tội phạm tất (phạm vào đầu gối của vua) và người phạm tội phải bị chém. Phạm vào người vú nuôi của vua thì không bị chém nhưng cũng bị tù. Các sĩ tử đi thi mà phạm huý, nghĩa là không biết kiêng tên họ hàng nhà vua, là bị trượt, không được đỗ ông cống, ông nghè. Đấy luật pháp phong kiến đại để là như vậy. Còn luật pháp tư sản thì sao? Giai cấp tư sản gian ngoan hơn giai cấp phong kiến, lừa bịp quần chúng tinh vi hơn. Giai cấp tư sản tuyên truyền rằng mọi người trong xã hội được tự do, bình đẳng, rằng mọi người đều có quyền tư hữu tài sản, có quyền tự do kinh doanh, tự do cạnh tranh, rằng pháp luật của Nhà nước tư sản là ý chí của toàn dân, cho nên mọi người phải phục tùng pháp luật. Thật ra trong xã hội tư sản, người công dân và nhân nhân lao động bị bóc lột nặng nề, đời sống không được bảo đảm, thất nghiệp đói, rách, bệnh tật. Như vậy thì họ làm gì có tự do, họ có thể nào bình đẳng với bọn tư bản được. Họ chỉ có tự do bán sức lao động để cho bọn tư bản tự do bóc lột họ…
Pháp luật của ta hiện nay bảo vệ quyền lợi cho hàng triệu người lao động. Pháp luật của ta lúc này, trong điều kiện hiện nay, chưa tước bỏ quyền tư hữu, nhưng không ai được lợi dụng quyền tư hữu để bóc lột thậm tệ nhân dân lao động. Pháp luật của ta là pháp luật thật sự dân chủ, vì nó bảo vệ quyền tự do, dân chủ rộng rãi cho nhân dân lao động. Nhân dân ta hiện nay có tự do, tự do trong kỷ luật. Mỗi người có tự do của mình, nhưng phải tôn trọng tự do của người khác. Người nào sử dụng quyền tự do của mình quá mức mà phạm đến tự do của người khác là phạm pháp. Không thể có tự do cho bọn việt gian, bọn phản động, bọn phá hoại tự do của nhân dân…
Chúng ta cũng thấy luật pháp của ta hiện nay chưa đầy đủ. Chính các chú có trách nhiệm phải góp phần làm cho luật pháp của ta tốt hơn, càng ngày càng phong phú hơn. Phải cố gắng làm cho luật pháp dân chủ ngày càng nhiều hơn, tốt hơn.
Các chú hiện nay làm công tác tư pháp, công tác xử án. Vậy muốn làm tốt công tác ấy thì phải làm thế nào?
- Trước hết phải đề cao lòng thương nước, thương đồng bào, phải căm ghét bọn thực dân xâm lược và bè lũ tay sai của chúng. Phải có quyết tâm kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn, không sợ hy sinh, gian khổ. Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp, cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này, là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức. Phải làm sao đóng góp vào việc làm cho nước độc lập, dân được tự do, hạnh phúc, nhân loại khỏi đau khổ. Như vậy, thì phải đấu tranh cách mạng, trước mắt phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, đánh đổ bọn việt gian phản quốc, bọn bù nhìn tay sai của đế quốc thực dân.
Trong công tác xử án phải công bằng, liêm khiết, trong sạch. Như thế cũng chưa đủ. Không thể chỉ hạn chế hoạt động của mình trong khung Toà án. Phải gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân. Giúp dân, học dân để giúp mình thêm liêm khiết, thêm công bằng. Thêm nữa là phải luôn luôn cố gắng học tập lý luận, học tập đường lối chính sách của Chính phủ…
Tóm lại, các chú phải công bằng, liêm khiết , trong sạch, gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân.
(Nhà nước và pháp luật, tập III, Nhà xuất bản Lao động, 1971, trang 138- 142).
BÀI NÓI TẠI HỘI NGHỊ TƯ PHÁP TOÀN QUỐC NGÀY 22 THÁNG 3 NĂM 1957
(Trích)
…….
Khó khăn của ngành tư pháp là công tác chưa ổn định thiếu thốn mặt này mặt khác. Công việc nhiều và mới, cán bộ ít. Nhiệm vụ và quyền hạn Hiến pháp cũ đã quy định nhưng tình hình hiện nay đã khác, cho nên có chỗ không thích hợp.
Cán bộ tư pháp còn gặp khó khăn nữa là ít được học tập, do đó, đường lối, phương pháp công tác và tư tưởng bị ảnh hưởng.
Tuy vậy, trong thời gian kháng chiến và hơn 2 năm hoà bình, cán bộ tư pháp có cố gắng nhiều và có thành tích.
Trung ương Đảng và Chính phủ rất cảm thông những khó khăn của cán bộ tư pháp, nhưng phải giải quyết dần dần.
Một mặt cán bộ tư pháp phải cố gắng, một mặt Đảng và Chính phủ cần chú ý hơn.
Bây giờ cả nước ta có nhiệm vụ chung cho các ngành là đấu tranh thống nhất nước nhà, khôi phục kinh tế, phát triển văn hoá, tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm.
Trong nhiệm vụ chung đó, tư pháp cần góp phần của mình là thực hiện chế độ pháp trị, giữ vững và bảo vệ quyền lợi nhân dân, bảo vệ chế độ dân chủ của ta. Đó là nhiệm vụ tích cực. Đồng thời có một nhiệm vụ nữa là ngăn ngừa trừng trị những kẻ âm mưu phá hoại chế độ ta, phá hoại lợi ích của nhân dân.
Muốn thực hiện nhiệm vụ ấy, cần chú ý mấy điểm:
Nội bộ đoàn kết từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, làm gương cho nhân dân. Đoàn kết tức là lực lượng của chúng ta. Lúc mới kháng chiến lực lượng ta yếu hơn địch, nhưng ta thắng lợi vì ta đoàn kết. Cho nên ngành tư pháp muốn khắc phục khó khăn phải đoàn kết nhất trí thật sự, muốn đoàn kết thật sự phải dựa trên cơ sở lập trường vững vàng, tư tưởng sáng suốt, nội bộ dân chủ, phải giúp đỡ nhau học tập tiến bộ, thật thà phê bình tự phê bình.
Luật pháp của ta có cái mới và cũ. Có cái cũ không thích dùng nữa. Cái mới thì chưa đầy đủ. Hiến pháp cũ có chỗ không thích hợp với tình hình và hoàn cảnh hiện nay. Vì vậy, khoá họp Quốc hội thứ 6 đã quyết định sửa đổi lại Hiến pháp. Trong việc sửa đổi hiến pháp, cán bộ tư pháp cũng cần góp phần của mình…
(Tạp san Tư pháp tháng 3- 1957 trang 3).