Loading...
Skip to main content
Bài nói chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành Toà án năm 1979

Bài nói chuyện của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành Toà án năm 1979

img

image

Hôm trước trong buổi làm việc với các đồng chí phụ trách các ngành Toà án, Nội vụ và Kiểm sát, các đồng chí phụ trách ngành Toà án muốn tôi đến hội nghị này. Tôi thấy đây là một việc có thể có ích nên có chuẩn bị đến nói chuyện với các đồng chí. Tôi rất mong các đồng chí, kể cả các đồng chí ở Viện Kiểm sát, ở Bộ Nội vụ và ở các ngành khác có liên quan nghe và suy nghĩ ý kiến tôi sẽ nói ở đây.

Chúng ta đứng trước một vấn đề rất quan trọng, rất cấp bách: đó là tình trạng phạm tội phạm pháp đang rất nghiêm trọng và có chiều hướng phát triển. Tất cả chúng ta bất cứ làm việc ở đâu, làm việc gì đều phải có ý thức trách nhiệm, đối với việc ngăn ngừa cũng như đối với việc trấn áp tội phạm. Mọi người, mọi ngành có liên quan phải làm tốt trách nhiệm của mình, trước hết là các ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ.

Ở đây, hôm nay là hội nghị của ngành Toà án. Tôi muốn cùng các đồng chí đánh giá về công tác Toà án, sau đó nói về yêu cầu cấp bách đối với công tác Toà án và về những công tác khác của Toà án.

Trước hết, đánh giá, về công tác Toà án, có ý kiến muốn tôi đánh giá tích cực, hào hứng về công tác của các đồng chí. Tôi suy nghĩ nhiều về gợi ý ấy, nhưng vì không có đủ thời gian chưa tìm hiểu sâu sắc về công tác của các đồng chí, nên chưa thể đánh giá đúng đắn và có căn cứ được. Tôi nghĩ rằng, chắc chắn các đồng chí có cố gắng nhiều, đã có những thành tựu đáng kể trong những năm qua. Song không phải chỉ là đòi hỏi sự cố gắng mà còn phải đáp ứng yêu cầu và sự đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ, phải quan niệm như vậy để đánh giá công việc của Toà án cũng như công việc của chúng ta, đánh giá công việc của người khác, của các cấp, các ngành. Hôm nay tôi đến đây để hoan nghênh các thành tích, các cố gắng của các đồng chí, nhưng cũng phải nói rằng những thành tích, những cố gắng ấy của các đồng chí chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, của xã hội. Các ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ phải phấn đấu kiên cường kiên trì để đáp ứng đúng mức, kịp thời sự đòi hỏi của tình hình và nhiệm vụ. Đấy là điều quan trọng. Vậy các đồng chí phải làm gì? Tôi gợi một số ý kiến để các đồng chí suy nghĩ và áp dụng.

Trong báo cáo tổng kết của ngành Toà án, phần kiểm điểm công tác của các đồng chí viết dài, phần về chủ trương thì quá ngắn, như vậy không cân đối. Việc cấp bách nóng hổi là công tác xét xử. Làm thế nào để công tác xét xử đáp ứng được yêu cầu trong lúc tình hình phạm tội tăng nghiêm trọng trên các mặt: Vi phạm an ninh chính trị an ninh kinh tế, an ninh xã hội vi phạm các quyền làm chủ tập thể của nhân dân, của con người.

1. Để thực hiện quyền chuyên chính thì ba ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ là ba ngành có trách nhiệm rất lớn. Vậy ba ngành này phải phối hợp với nhau rất chặt chẽ, rất ăn ý để làm cho được 4 cái đúng: Xử đúng kẻ phạm tội, xử đúng tội trạng, xử đúng pháp luật, xử đúng lúc. Yêu cầu phối hợp này tôi đã nói bao nhiêu lần, nhưng xem ra thì chưa có sự phối hợp chặt chẽ, chưa có sự hợp tác chặt chẽ giữa ba ngành. Tôi nghĩ rằng ba ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm để có sự phối hợp và phối hợp tốt hơn.

Chúng ta đòi hỏi có sự phối hợp nhưng đừng cầu toàn, chúng ta đòi hỏi sự phối hợp chu đáo nhưng không máy móc. Dứt khoát, không có cái "pháp lý chủ nghĩa", "pháp lý hình thức", đồng thời thủ tục pháp lý của ta chưa đầy đủ, pháp luật của ta cũng chưa đầy đủ, vì vậy phải biết đòi hỏi đến mức nào hợp lý, là thích hợp trong tình hình hiện nay, từ đó quyết định việc xét xử đúng mức, kịp thời và đúng lúc. Trong tình hình mà tệ ăn cắp của công nghiêm trọng như vậy không thể để chậm việc xét xử. Bác Hồ thường nói: "Mười con mắt đều nhìn vào đó, mười ngón tay đều chỉ vào đó, chỉ có anh ngồi yên, như vậy coi làm sao được!".

Lúc này ta phải phục vụ kịp thời và đắc lực công việc xét xử. Các ngành có trách nhiệm phải quan hệ mật thiết với nhau, phải cùng nhau làm việc, cùng nhau bàn bạc, cùng nhau phối hợp từ lúc điều tra, chuẩn bị xét xử, xét xử và thi hành án.

Sự lãnh đạo của Đảng đối với Toà án là tất nhiên cũng như các ngành khác. Hệ thống Toà án của ta đều đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Sự lãnh đạo và chỉ đạo của các cơ quan này phải tạo mọi điều kiện, mọi thuận lợi cho những người phụ trách. Toà án xét xử theo lương tâm của mình; theo sự hiểu biết của mình về tội ác, về con người phạm tội và pháp luật.

Về phần các đồng chí công tác ở ngành Toà án, các đồng chí phải chứng minh rằng các đồng chí là những người đảm đương được trách nhiệm của mình và đòi hỏi lãnh đạo phải ủng hộ, hướng dẫn, giúp đỡ các đồng chí làm việc tốt.

2. Ba ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ phải làm gì và nói chung các ngành khác có liên quan phải làm gì để ngăn ngừa tội phạm? Chúng ta đang xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa: trong xã hội chủ nghĩa nhất định còn có tội phạm và ta phải phấn đấu ngăn ngừa tội phạm, làm được việc đó các ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ phải phối hợp chặt chẽ với nhau. Ví dụ: Thanh niên ta là lực lượng xung kích, là chiến sĩ trên các mặt trận đấu tranh, nhưng trong lúc đó- lại có nhiều thanh niên làm những việc không tốt, thậm chí có người phạm tội. Vậy các ngành Toà án, Kiểm sát, Nội vụ cùng phối hợp với Đoàn thanh niên để đề ra các biện pháp giáo dục, ngăn ngừa và chắc là ta ngăn ngừa được một thành phố, một khu phố, có thể làm được như vậy, một ngành như đường sắt, đường sông cũng có thể làm được. Tôi mong rằng các đồng chí suy nghĩ nhiều để làm cho được việc này.

3. Bây giờ, tôi nói thêm một ý mà trong báo cáo tổng kết các đồng chí có đề cập tới. Đó là vấn đề tăng cường tổ chức, đào tạo cán bộ và đẩy mạnh sự phát triển của ngành Toà án.

Kiện toàn tổ chức phải gắn liền với đào tạo cán bộ. Nếu không có đủ cán bộ mà muốn phát triển tổ chức quá mức, quá nhanh thì không được. Vì vậy việc tăng cường tổ chức không thể làm hấp tấp, nóng vội. Đào tạo cán bộ là một việc rất quan trọng, cần được coi trọng đúng mức. Tôi nhấn mạnh sự cần thiết đối với ngành của các đồng chí cũng như đối với nhiều ngành khác là phải ra sức đào tạo cán bộ. Nếu các đồng chí không có một đội ngũ chuyên làm công tác Toà án có năng lực, có uy tín thì khó mà làm tốt được nhiệm vụ của ngành. Công tác Toà án là một trong những loại công tác khó. Là người làm việc xét xử, là Thẩm phán, là "quan toà", các đồng chí có trách nhiệm lớn trong việc trừng trị những tội phạm. Bản án đối với người phạm tội là một sự kiện quan trọng đối với bản thân họ, đối với gia đình họ, đối với xã hội. Vì vậy, chúng ta rất coi trọng việc đào tạo cán bộ Toà án. Đây là con người toàn diện, hiểu chuyên môn, hiểu chính trị, hiểu nhân tình, thế thái. Đây là đội ngũ cán bộ đáng được mọi người kính trọng. Để đào tạo cán bộ, phải có nhiều hình thức. Hiện nay ta đã có trường Đại học pháp lý để đào tạo cán bộ tập trung, đồng thời phải tổ chức những lớp đào tạo tại chức coi đây là hình thức đào tạo quan trọng. Các đồng chí đang làm công tác Toà án đều phải có kế hoạch học tập thêm: Học những tài liệu gì, học ở đâu, cùng với ai? Ngoài học tập theo lớp còn phải kịp thời đúc rút kinh nghiệm công tác. Có làm được như vậy, chúng ta mới mau chóng tăng cường về số lượng và chất lượng đội ngũ cán bộ ngành Toà án, trong đó có các Thẩm phán. Và đó cũng là cơ sở để từng bước kiện toàn một cách vững chắc tổ chức Toà án các cấp của chúng ta.

4. Tôi cần nói thêm một ý nữa, cán bộ ngành Toà án theo tính chất công việc của mình phải cố gắng hết sức tham gia vào việc xây dựng pháp luật và phổ biến pháp luật trong các ngành, các cấp, trong các lực lượng vũ trang và trong nhân dân.

Đó là những điều tôi muốn nói với các đồng chí hôm nay ở hội nghị này. Tôi mong muốn hội nghị này của các đồng chí đánh dấu một bước phát triển mới, tích cực, 1phấn khởi, trước hết đánh dấu bằng việc thực hiện được 4 cái đúng trong xét xử. Tôi muốn nói thêm là phải thực hiện từng bước, từng phần, đừng ép, đừng ẩu. Trước kia, thường chúng ta cầu toàn quá, chậm rãi quá, để ngâm lâu quá, mất thời cơ. Nếu nay, chúng ta quá nóng vội thì dễ sai lầm. Ở việc khác, sai lầm đã là nguy hiểm, ở việc xét xử nếu sai lầm càng nguy hiểm hơn nhiều. Vậy các đồng chí cố gắng tránh những sai lầm lớn.

Tôi kết thúc câu chuyện ở đây và chúc Hội nghị của các đồng chí thành công tốt đẹp.

img

Up to Top