Phát biểu của đồng chí Nông Đức Mạnh, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc Hội tại Hội nghị tổng kết công tác của ngành Toà án năm 1993

Thưa đồng chí Phạm Hưng, Chánh án Toà án nhân dân tối cao.
Thưa các đồng chí đại biểu Hội nghị.
Cách đây tròn một năm, tôi đã có dịp đến dự Hội nghị công tác Toà án toàn quốc sơ kết 3 tháng đầu thi hành Chỉ thị số 15CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 114- TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chống tham nhũng, chống buôn lậu. Lần này, tôi hết sức vui mừng lại được đến dự Hội nghị của ngành Toà án. Thay mặt Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin nhiệt liệt chào mừng tất cả các vị đại biểu, đại diện cho ngành Toà án từ khắp mọi miền của Tổ quốc đã về dự Hội nghị quan trọng này.
Thưa các đồng chí
Qua Báo cáo tổng kết công tác và quá trình theo dõi hoạt động của ngành Toà án, tôi nhất trí với nội dung đánh giá, nhận xét về kết quả các mặt công tác ngành Toà án đã đạt được, những mặt chưa đạt được trong năm 1993 và những định hướng cho công tác Toà án năm 1994 mà đồng chí Chánh án Phạm Hưng đã trình bày với Hội nghị.
Trong năm 1993, cùng với sự nỗ lực chung của cả nước, toàn ngành Toà án đã có rất nhiều cố gắng, khắc phục nhiều khó khăn về biên chế, kinh phí, phương tiện làm việc, với tinh thần đoàn kết nội bộ, tăng cường phối hợp với các ngành hữu quan, đề cao ý thức trách nhiệm, chủ động trong công tác quản lý và điều hành của mình, đã đạt kết quả tốt trên tất cả những mặt công tác chủ yếu: Về công tác xét xử hình sự và dân sự ở các cấp sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm, tuy số lượng các loại vụ án đều tăng nhiều so với năm trước, nhưng các Toà án các cấp đều xét xử đạt tỷ lệ cao hơn và số việc giải quyết được nhiều hơn. Đặc biệt là các Toà án đã xét xử được nhiều vụ án trọng điểm về các loại tội xâm phạm nghiêm trọng đến an ninh quốc gia, trật tự- an toàn xã hội, nhiều vụ tham nhũng, buôn lậu lớn… với thái độ kiên quyết và nghiêm minh hơn, góp phần tích cực và việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ ba là kiên quyết đấu tranh chống các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường kỷ cương xã hội, bảo vệ tài sản Nhà nước và các lợi ích hợp pháp của công dân.
Bên cạnh công tác xét xử, các Toà án đã có nhiều cố gắng làm tốt công tác bàn giao việc thi hành án dân sự, theo dõi sát sao việc thi hành án phạt tù, xét đặc xá nhân dịp Quốc khánh 2-9, tích cực tham gia xây dựng các dự án luật, pháp lệnh do Quốc hội phân công và từng bước kiện toàn tổ chức, bổ sung đội ngũ Thẩm phán theo Luật Tổ chức Toà án nhân dân vừa mới được sửa đổi, bổ sung, xây dựng ngành Toà án nhân dân ngày càng trong sạch và vững mạnh v.v…
Thay mặt Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi nhiệt liệt hoan nghênh và biểu dương những thành tích nói trên của tất cả các đồng chí.
Thưa các đồng chí,
Chúng ta đều biết rằng năm 1993 tuy chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng, khắc phục một bước khủng hoảng kinh tế- xã hội, vượt qua tình trạng suy thoái kinh tế, đẩy lùi lạm phát, giữ vững ổn định chính trị, mở đầu thời kỳ mới của sự phát triển toàn diện, nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu kinh tế- xã hội đến năm 2000 vì "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng và văn minh". Song, như Nghị quyết Hội nghị đại biểu Đại hội Đảng toàn quốc giữa nhiệm kỳ đã chỉ rõ: Năm 1994 bên cạnh thuận lợi, thì khó khăn và thách thức cũng rất lớn. Toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải đồng tâm nhất trí, nỗ lực vượt bậc vượt qua các nguy cơ: Nguy cơ tụt hậu về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới, nguy cơ đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa nguy cơ về tệ tham nhũng quan liêu và nguy cơ "diễn biến hoà bình" của các thế lực thù địch.
Trước diễn biến mới của tình hình quốc tế, trong nước và thực hiện Nghị quyết của Đảng, tại kỳ họp thứ tư Quốc hội khoá IX đã ra Nghị quyết về "thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng và chống buôn lậu".
Đây là những vấn đề rất quan trọng, bức xúc, đòi hỏi các cấp, các ngành phải nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước và trước nhân dân nhằm tạo ra sự chuyển biến thật sự mạnh mẽ, đều khắp trong phạm vi cả nước, ngành Toà án của chúng ta là một trong những cơ quan bảo vệ pháp luật quan trọng của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát và chỉ đạo của Quốc hội, chúng tôi nghĩ rằng hơn lúc nào hết các đồng chí phải thông qua chức năng, nhiệm vụ của mình đi đầu trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu, các tệ nạn xã hội và các tội phạm nguy hiểm khác, theo đúng tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW của Bộ Chính trị, Quyết định 114 TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị số 33/CT- TW ngày 01-03-1994 của Ban Bí thư cũng như các Nghị quyết số 05, 06 ngày 29-01-1993 của Chính phủ về giải quyết các tệ nạn xã hội v.v… phải xem đây là công tác trọng tâm hay nói cách khác là công tác số một của toàn ngành Toà án như phương hướng Toà án đã xác định. Có đấu tranh kiên quyết và đạt hiệu quả cao đối với bọn tham nhũng, buôn lậu, các tệ nạn xã hội và các tội phạm nguy hiểm khác mới thiết thực chống nguy cơ quan liêu, tham nhũng, diễn biến hoà bình, gây cản trở sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế xã hội của nước ta trong tình hình hiện nay.
Tuy nhiên, cuộc đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu và các tệ nạn xã hội so với yêu cầu thì hiệu quả đạt được có thể nói là còn thấp, nhân dân chưa đồng tình, tham nhũng buôn lậu tiếp tục gia tăng, các tệ nạn xã hội còn xảy ra phổ biến gây nguy hại rất lớn và nghiêm trọng đến kinh tế- xã hội, đây là một trong những nguy cơ có thể làm mất ổn định chính trị… Nguyên nhân của tình hình này có nhiều, nhưng đáng lưu ý là cho đến nay có cấp, có ngành, có địa phương và một bộ phận cán bộ (kể cả cán bộ trong ngành bảo vệ pháp luật) vẫn chưa ý thức được đầy đủ tác hại nhiều mặt của nó, nên chưa có biện pháp thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời và kiên quyết.
Tôi rất mong các đồng chí đại biểu các Toà án các cấp quán triệt hơn nữa nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, chống buôn lậu của ngành, thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội để xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi tham nhũng, buôn lậu bất kể đối tượng phạm tội là ai. Phải nắm vững các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phải "Chí công vô tư" trong xét xử nhằm bảo đảm xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, xứng đáng là người giữ cán cân công lý của Nhà nước. Kiên quyết khắc phục lối làm ăn tuỳ tiện, cảm tình, nể nang, thậm chí xin nói là tiêu cực. Nếu làm được như vậy, tôi tin rằng chúng ta sẽ góp phần có hiệu quả vào việc từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, buôn lậu, các tệ nạn xã hội và các tội phạm nguy hiểm khác, để lấy lại lòng tin của nhân dân.
Cùng với Bộ Tư pháp, các đồng chí cần phối hợp để công tác thi hành án phạt tù, quản lý người được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ, quản chế, giảm án tha tù trước thời hạn v.v… đi vào quy chế chặt chẽ. Phải thấy rằng nếu xét xử xong, mà bản án, nhất là án phạt tù, không được thi hành kịp thời một cách nghiêm chỉnh, thì điều dễ hiểu là rất khó có thể giữ nghiêm kỷ cương xã hội được!
Bên cạnh việc xét xử các vụ án hình sự, các Toà án cần chấn chỉnh phong cách làm việc, cụ thể là phải đi sát nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, của đoàn thể quần chúng, bảo đảm mọi tranh chấp dân sự, tranh chấp hợp đồng kinh tế cũng như các tranh chấp về hôn nhân và gia đình được giải quyết nhanh, đúng đắn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhân dân trên cơ sở áp dụng tổng hợp các chính sách, pháp luật một cách công bằng. Có như vậy mới hạn chế khiếu nại quá nhiều, việc xét xử đi, xét xử lại ảnh hưởng đến sản xuất, công tác và đoàn kết trong nhân dân. Đương nhiên, để giúp các Toà án có cơ sở pháp lý làm chuẩn mực giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân có lý, có tình, thì Nhà nước phải sớm ban hành các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Bộ luật Lao động v.v… Nhân đây, tôi cũng nói thêm: trong thời gian gần đây, tôi và các đồng chí trong UBTVQH nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, trong đó phản ánh tình hình không ít việc chúng ta xét xử không tốt, kể cả ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm… có việc cấp dưới xử sai khi cấp giám đốc xử lại thì họ đã phải ở tù tới 5 năm, việc họ đi tù quá hạn tới 3 năm thì cấp sơ thẩm nghĩ gì về sự quá hạn này? Trình độ cán bộ Toà án cấp dưới có khó khăn, nhưng không loại trừ hiện tượng thiếu khách quan, thiếu trung thực, đây là vấn đề mong các đồng chí suy nghĩ và rút ra những kinh nghiệm bổ ích.
Các đồng chí cần tăng cường đội ngũ cán bộ, tham gia tích cực việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh do Quốc hội đã phân công, trước hết là hoàn thành dự án Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự… rà soát các văn bản hướng dẫn của ngành Toà án và thông qua công tác xét xử phát hiện những sơ hở về cơ chế, chính sách của các ngành hữu quan để không ngừng hoàn thiện pháp luật, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thực hiện chức năng xét xử của các đồng chí.
Một vấn đề Quốc hội rất quan tâm là chất lượng xét xử và thời hạn xét xử của các Toà án. Theo báo cáo tổng kết của ngành Toà án thì đây là khâu yếu của một số Toà án, kể cả cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm và cấp giám đốc thẩm; đây cũng là vấn đề công luận và nhân dân có nhiều ý kiến phàn nàn. Nguyên nhân chính là ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, chấp hành hướng dẫn của cấp trên chưa nghiêm; mặt khác, một số Thẩm phán tuy đã được đào tạo, nhưng năng lực, trình độ vận dụng pháp luật vào từng vụ án còn yếu, kinh nghiệm xã hội có hạn v.v… Quốc hội rất mong rằng các đồng chí cần đề ra giải pháp, đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề về nghiệp vụ xét xử trong từng thời gian thích hợp, kể cả tham khảo kinh nghiệm xét xử của các nước trong khu vực và trên thế giới, để không ngừng nâng cao năng lực đội ngũ Thẩm phán, nâng cao chất lượng nghiệp vụ và khắc phục được yếu kém và giảm dần phiền hà cho nhân dân. Đó là cơ sở để tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với công tác Toà án.
Hiện nay, đứng trước yêu cầu tăng cường Nhà nước pháp quyền, đổi mới và cải cách nền tư pháp Việt Nam mà nội dung của nó là do dân, vì dân và của dân, trong mấy năm qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, bổ sung Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Pháp lệnh về tổ chức Toà án Quân sự, Pháp lệnh về quy chế Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân. Sắp tới, sẽ đề ra chủ trương cải cách hệ thống Tư pháp một cách đồng bộ trong đó có việc đổi mới tổ chức bộ máy Toà án các cấp, đề cao vai trò, vị trí Toà án trong hệ thống chính trị của Nhà nước; đồng thời, có những chính sách, chế độ bảo đảm cho các Toà án, cho đội ngũ Thẩm phán Toà án các cấp có đủ năng lực, trình độ, phương tiện chủ yếu để làm việc… đáp ứng yêu cầu công tác ngày càng cao của sự nghiệp đổi mới của đất nước chúng ta.
Nghị quyết tháng 12-1993 của Quốc hội đã chỉ rõ là Toà án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và các cơ quan bảo vệ pháp luật cần"kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, thanh loại những phần tử tiêu cực ra khỏi cơ quan bảo vệ pháp luật, tăng cường bồi dưỡng về trình độ, năng lực, phẩm chất cho cán bộ, nhân viên…". Đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, chuyên viên, Thư ký Toà án phải là những người rất trung thực, liêm khiết, trong việc chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật trong công tác cũng như trong sinh hoạt và phải thực sự "chí công vô tư". Đây là yêu cầu rất cao được xem xét kỹ khi tuyển chọn Thẩm phán Toà án các cấp cũng như trong việc quản lý đội ngũ Thẩm phán trong toàn quốc. Tôi mong các đồng chí đại diện cho Toà án toàn quốc nhận thức sâu sắc điều đó để bảo đảm từ nay về sau, Toà án chúng ta có đội ngũ Thẩm phán với đủ tiêu chuẩn toàn diện mà Pháp lệnh về Quy chế Thẩm phán và Hội thẩm Toà án nhân dân cũng như Luật Tổ chức Toà án nhân dân đã quy định.
Thẩm phán Toà án các cấp đều là người chịu trách nhiệm trước Đảng, trước Nhà nước và trước nhân dân về các quyết định của mình mà các quyết định đó lại gắn liền với sinh mạng chính trị của con người, và quyền lợi thiết thân của công dân. Vì vậy, tôi yêu cầu các đồng chí Thẩm phán cũng như cán bộ toàn ngành Toà án cần thấy hết niềm vinh dự, nhưng đồng thời phải thấy hết trách nhiệm to lớn và nghĩa vụ nặng nề, để ra sức tu dưỡng, rèn luyện, xứng đáng là người Thẩm phán nhân dân đúng với nghĩa của nó là Toà án của dân, do dân, vì dân. Nhân đây, cũng đề nghị các đồng chí rút ra các bài học sâu sắc và quý báu từ việc vừa qua đã có hàng chục Thẩm phán các Toà án nhân dân địa phương và Toà án nhân dân tối cao đã bị kỷ luật do vi phạm quy chế công tác, vi phạm phẩm chất đạo đức.
Quốc hội hoàn toàn nhất trí với phương hướng của ngành Toà án, nhưng quan trọng là làm sao chúng ta phấn đấu làm được những việc cần làm. Nói cũng cần, nhưng cái chính là làm nhiều, nói ít, làm cho được những việc phải làm, có như vậy sẽ lấy lại lòng tin của nhân dân…
Cuối cùng tôi xin lưu ý các đồng chí: Sắp tới thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Luật Tổ chức Toà án nhân dân, Toà án nhân dân tối cao và Bộ Tư pháp cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai việc thành lập Toà Kinh tế ở các cấp Toà án để đưa Toà kinh tế đi vào hoạt động từ 01-07-1994 bảo đảm xét xử đúng đắn, kịp thời các tranh chấp về kinh tế phát sinh trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trong cơ chế thị trường v.v…
Thưa các đồng chí,
Toà án nhân dân là cơ quan xét xử, một công cụ sắc bén của Nhà nước ta, có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, trách nhiệm cũng hết sức nặng nề. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị giữa nhiệm kỳ của Đảng, trong năm 1994 chúng ta phải cố gắng nỗ lực hơn nữa để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Tôi mong rằng, sau Hội nghị này, toàn ngành Toà án sẽ có bước chuyển biến mới trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ 4, cùng các ngành, các cấp và nhân dân ta vững bước đi lên để thực hiện mục tiêu "dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh".
Một lần nữa thay mặt Quốc hội và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin chúc tất cả các đồng chí đại biểu dự Hội nghị và thông qua các đồng chí tôi xin chuyển lời thăm hỏi đến tất cả cán bộ trong cả nước khoẻ mạnh, hạnh phúc! Chúc hội nghị thành công. Một lần nữa xin cảm ơn các đồng chí.