Loading...
Skip to main content
GIAI ĐOẠN 1980 - 1992

GIAI ĐOẠN 1980 - 1992

img

1. Mùa xuân năm 1975, nhân dân ta đã giành được thắng lợi trọn vẹn trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ba mươi năm chiến đấu gian khổ miền Nam, thành đồng Tổ quốc, được hoàn toàn giải phóng. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta tiến hành tổng tuyển cử tự do trong cả nước, thực hiện thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Tháng 7-1976, nước ta lấy tên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày 18-12-1980 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VI, kỳ họp thứ 7, đã thông qua Hiến pháp của nước Việt Nam thống nhất.

So sánh những quy định của Hiến pháp năm 1980 với những quy định của Hiến pháp năm 1959 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân, có thể thấy rằng về cơ bản là giống nhau, hay nói cách khác là các quy định của Hiến pháp năm 1980 có sự kế thừa những quy định của Hiến pháp năm 1959, bên cạnh đó có sự cụ thể hóa hơn, phát triển hơn hay quy định một số nguyên tắc quan trọng. Điểm thứ nhất là, Hiến pháp năm 1959 chỉ quy định “Trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt” thì chỉ có “Quốc hội có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt” (Điều 97). Hiến pháp năm 1980 ngoài quy định này, còn quy định “trong tình hình đặc biệt” và quy định bổ sung “Hội đồng Nhà nước có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt” (Điều 128). Bên cạnh đó Hiến pháp năm 1980 còn quy định một vấn đề quan trọng liên quan đến hoạt động của Tòa án nhân dân: “ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, theo quy định của pháp luật” (Điều 128).

Điểm thứ hai, là quy định một nguyên tắc trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân: “Tòa án nhân dân xét xử tập thể và quyết định theo đa số” (Điều 132).

Điểm thứ ba, là ghi nhận một chế định quan trọng: “Tổ chức luật sư được thành lập để giúp bị cáo và các đương sự khác về mặt pháp lý” (Điều 133), mà Hiến pháp năm 1959 không quy định.

Điểm thứ tư, nếu như Hiến pháp năm 1959 giao cho Tòa án nhân dân tối cao giám đốc việc xét xử của các Tòa án đặc biệt, thì Hiến pháp năm 1980 vẫn tiếp tục giao cho Tòa án nhân dân tối cao nhiệm vụ này, nhưng “trừ trường hợp Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước quy định khác khi thành lập các Tòa án đó” (Điều 135).

Điểm thứ năm, Hiến pháp năm 1980 đã khẳng định: “Các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội và mọi công dân tôn trọng; những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành” (Điều 137).

Các quy định của Hiến pháp năm 1980 về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân được cụ thể hoá bằng Luật tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 3-7-1981 và được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung Luật tổ chức Tòa án nhân dân, được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 22-12-1988. Theo Điều 2 của đạo luật này thì “các Tòa án nhân dân gồm có: Tòa án nhân dân tối cao; các Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương; các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; các Tòa án quân sự” và “Trong tình hình đặc biệt hoặc trong trường hợp cần xét xử những vụ án đặc biệt, Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước có thể quyết định thành lập Tòa án đặc biệt”. Đối với “ở cơ sở, thành lập các tổ chức thích hợp của nhân dân để giải quyết những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong nhân dân, theo quy định của pháp luật”.

Về nhiệm kỳ của Chánh án, Phó Chánh án và Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp khác với Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1960 là quy định thời hạn nhất định, thì Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 quy định theo nhiệm kỳ của cơ quan bầu ra mình.

Trong hệ thống Tòa án nhân dân, thì Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, hướng dẫn các Tòa án nhân dân địa phương và các Tòa án quân sự áp dụng thống nhất pháp luật và đường lối xét xử, giám đốc việc xét xử của các Tòa án đó và tổng kết kinh nghiệm xét xử. Tòa án nhân dân tối cao có Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân.

Về tổ chức, Tòa án nhân dân tối cao gồm có: Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Tòa hình sự; Tòa dân sự; Tòa án quân sự cấp cao và các Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao; khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Nhà nước có thể thành lập các Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao.

Đối với Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cấp tương đương có Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm nhân dân. Về tổ chức gồm có: Ủy ban Thẩm phán, Tòa hình sự, Tòa dân sự; bộ máy giúp việc.

Đối với các Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh gồm có Chánh án, một hoặc hai Phó Chánh án, các Thẩm phán và các Hội thẩm nhân dân. ở Tòa án cấp này không có Ủy ban Thẩm phán và cũng không có tổ chức thành các Tòa chuyên trách.

Về tổ chức Tòa án quân sự, căn cứ vào quy định tại Điều 2 của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981: “Tổ chức của các Tòa án quân sự do Hội đồng Nhà nước quy định” và căn cứ vào nhiệm vụ và tổ chức của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày 21-12-1985, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự và được sửa đổi, bổ sung theo Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự, được Hội đồng Nhà nước thông qua ngày 29-3-1990. Theo Điều 2 của Pháp lệnh năm 1985 thì: “Các Tòa án quân sự gồm có: Tòa án quân sự cấp cao; các Tòa án quân sự quân khu và cấp tương đương, các Tòa án quân sự khu vực”.

Tòa án quân sự cấp cao là một Tòa án thuộc Tòa án nhân dân tối cao, gồm có Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm quân nhân. Tòa án quân sự quân khu và cấp tương đương có: Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm quân nhân; các Tòa án quân sự quân khu và cấp tương đương có Ủy ban Thẩm phán và vì chỉ xét xử các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của mình nên trong các Tòa án quân sự quân khu và cấp tương đương không thành lập các Tòa chuyên trách. Tòa án quân sự khu vực có Chánh án, các Phó Chánh án, các Thẩm phán và Hội thẩm quân nhân. Về tổ chức Tòa án quân sự khu vực không có Ủy ban Thẩm phán và không thành lập các Tòa chuyên trách.

Năm 1981 Bộ Tư pháp được thành lập lại và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 đã giao “việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương về mặt tổ chức do Bộ trưởng Bộ Tư pháp đảm nhiệm. Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc thực hiện nhiệm vụ đó” (Điều 16). Về quản lý các Tòa án quân sự, thì Pháp lệnh năm 1985 đã giao “Bộ trưởng Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong việc quản lý về mặt tổ chức các Tòa án quân sự quân khu và cấp tương đương và các Tòa án quân sự khu vực”.

Về biên chế của các Tòa án nhân dân theo Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 1981 và Pháp lệnh tổ chức Tòa án quân sự năm 1985, thì biên chế của Tòa án nhân dân tối cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định và trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn. Tổng số biên chế của các Tòa án nhân dân địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Hội đồng Bộ trưởng quyết định. Sau khi đã được Hội đồng Bộ trưởng quyết định tổng số biên chế, việc quy định biên chế cho từng Tòa án nhân dân địa phương do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định. Đối với các Tòa án quân sự, thì bộ máy làm việc, biên chế của Tòa án quân sự cấp cao do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định, sau khi đã thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và trình Hội đồng Nhà nước phê chuẩn; bộ máy làm việc, biên chế của các Tòa án quân sự quân khu và cấp tương đương, của các Tòa án quân sự khu vực do Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định, sau khi đã thống nhất ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Về kinh phí, phương tiện hoạt động và trụ sở của các Tòa án quân sự do Bộ Quốc phòng và các đơn vị quân đội bảo đảm.

Tóm lại, việc quản lý các Tòa án nhân dân địa phương trong giai đoạn này do Bộ Tư pháp đảm nhiệm, nhưng chủ yếu là việc trình tổng số biên chế và quy định biên chế cụ thể cho từng Tòa án nhân dân địa phương, còn về kinh phí hoạt động vẫn do ngân sách địa phương cấp, về nhân sự như Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu. Riêng việc quản lý, hướng dẫn công tác xét xử vẫn do Tòa án nhân dân tối cao đảm nhiệm.

2. Trong những năm đầu của giai đoạn này mặc dù đất nước có nhiều khó khăn về kinh tế do thiên tai, chiến tranh ở biên giới phía Bắc và phía Tây Nam của Tổ quốc song ngành Tòa án nhân dân đã cùng Toàn Đảng, Toàn dân, Toàn quân, các ngành các cấp phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục khó  khăn giành nhiều thắng lợi to lớn. Ngành Tòa án nhân dân đã giữ vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng và chống tội phạm. Cũng trong giai đoạn này ngành Tòa án nhân dân đã thi đua lập thành tích chào mừng 25 năm (1960 - 1985) và 30 năm (1960 - 1990) ngày ban hành Luật tổ chức Tòa án nhân dân đầu tiên. Nét nổi bật của ngành Tòa án trong những năm này là đã tăng cường phối hợp chặt chẽ với các ngành Công an, Viện kiểm sát đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng và chống tội phạm, phổ biến giáo dục pháp luật, đã xét xử kịp thời, nghiêm khắc đúng pháp luật nhiều vụ án phản cách mạng, nhiều vụ án về kinh tế và trật tự, an toàn xã hội. Chỉ tính trong năm 1984 các Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đã xét xử sơ thẩm 17.752 vụ án hình sự gồm 33.620 bị cáo. Tòa án nhân dân tối cao đã xét xử sơ thẩm đồng thời chung thẩm 5 vụ án hình sự, trong đó có vụ án Mai Văn Hạnh và đồng bọn ở thành phố Hồ Chí Minh phạm các tội “phản quốc” và “gián điệp”. Đây là vụ án gián điệp lớn nhất từ trước tới nay ở nước ta. Các Tòa án đã kết án 96 bị cáo với mức án tử hình và 93 bị cáo với mức án chung thân. Bên cạnh xét xử các vụ án hình sự các Tòa án các cấp đã đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các tranh chấp trong nội bộ nhân dân, các việc về hôn nhân và gia đình. Cũng chỉ tính trong năm 1984 các Tòa án đã thụ lý xét xử sơ thẩm 7.382 vụ án dân sự, 22.499 vụ án về hôn nhân và gia đình. Khi giải quyết các loại án dân sự, hôn nhân và gia đình các Tòa án luôn luôn chú ý công tác hoà giải để giữ đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Ngay sau khi có Nghị quyết của Quốc hội tại kỳ họp thứ IV (tháng 12-1988) về công tác bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, Toàn ngành Tòa án đã quán triệt tinh thần Nghị quyết và đề ra biện pháp thi hành, xác định việc thi hành Nghị quyết của Quốc hội là nội dung chủ yếu của phương hướng nhiệm vụ của ngành Tòa án. Các Tòa án các cấp đã phối hợp chặt chẽ với các ngành các cấp, các cơ quan nhà nước hữu quan tấn công truy quét bọn phạm tội, nghiêm trị bọn lưu manh, côn đồ, bọn cướp của, xâm phạm tính mạng, sức khoẻ của nhân dân, giữ vững trật tự, an toàn xã hội.

img

Up to Top