Loading...
Skip to main content

Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm án dân sự theo thủ tục rút gọn

(24/03/2023 09:36)

Ngày 23/3, Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã phối hợp tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án dân sự sơ thẩm theo thủ tục rút gọn về tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông Phạm Ngọc T và bà Lường Thị Q.

Phiên tòa rút kinh nghiệm vụ án dân sự sơ thẩm về tranh chấp hợp đồng vay tài sản được tổ chức trực tuyến giữa điểm cầu trung tâm là Hội trường xét xử Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La với các điểm cầu thành phần là Tòa án nhân dân tỉnh và 11 Tòa án nhân dân các huyện, thành phố.

Theo đơn khởi kiện của ông T, ngày 30/9/2020, bà Q vay của ông T 20.000.000 đồng, thời hạn vay là 5 tháng, lãi suất 20%/năm. Từ đó đến nay, ông T đã đòi nhiều lần nhưng năm 2022 bà T chỉ trả được 5.600.000 đồng. Do đó, ông T khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà Q phải trả cho ông T toàn bộ tiền gốc và tiền lãi theo hợp đồng. Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp đã hướng dẫn, giải thích để ông T lựa chọn áp dụng Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhưng ông T không lựa chọn và yêu cầu Tòa án thụ lý vụ án và ra phán quyết bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật.

image

Phiên tòa rút kinh nghiệm xét xử vụ án dân sự sơ thẩm của TAND huyện Sốp Cộp

Vụ án có tình tiết đơn giản; quan hệ pháp luật rõ ràng; đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ; tài liệu, chứng cứ đầy đủ, bảo đảm đủ căn cứ để giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ; các đương sự đều ở trong nước và có địa chỉ cư trú rõ ràng. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp đã thụ lý vụ án theo thủ tục rút gọn. Vụ án do một Thẩm phán giải quyết, không có sự tham gia của Hội thẩm nhân dân và kiểm sát viên.

Tại phiên tòa theo thủ tục rút gọn, sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán đã tiến hành hòa giải. Sau khi nghe Thẩm phán phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án, phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải thành, ông Q và bà T đã tự nguyện thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án. Theo đó, ông Q nhất trí chỉ yêu cầu bà T thanh toán 20.000.000 đồng trong thời hạn 10 tháng. Thẩm phán đã ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa.

image

Đồng chí Nguyễn Kỳ Việt, Chánh án Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp chủ trì phiên họp rút kinh nghiệm

Ngay sau khi kết thúc phiên tòa, Tòa án nhân dân huyện Sốp Cộp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân huyện tổ chức phiên họp rút kinh nghiệm trực tuyến theo Hướng dẫn 136/HD-TANDTC ngày 30/3/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về công tác tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm theo yêu cầu cải cách tư pháp.

Tham dự và chỉ đạo phiên họp tại điểm cầu Tòa án nhân dân tỉnh có đồng chí Quản Hữu Chiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Xuân, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh cùng các đồng chí lãnh đạo các Tòa, Phòng, các đồng chí Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký của Tòa án nhân dân tỉnh, các đồng chí lãnh đạo một số phòng nghiệp vụ và Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh.

image

Lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La dự và chỉ đạo phiên họp
rút kinh nghiệm tại điểm cầu Tòa án nhân dân tỉnh

Tham dự tại 12 điểm cầu Tòa án nhân dân cấp huyện có các đồng chí lãnh đạo cùng toàn bộ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký và Kiểm sát viên của các Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện.

Tại cuộc họp, các đồng chí Thẩm phán, Kiểm sát viên đã phát biểu nhiều ý kiến góp ý cho đồng chí Thẩm phán chủ tọa phiên tòa về kĩ năng điều hành phiên tòa, kĩ năng hòa giải tại phiên tòa, đề xuất Tòa án nhân dân tối cao ban hành mẫu Bản án sơ thẩm, bản án phúc thẩm, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự tại phiên tòa theo thủ tục rút gọn. Bên cạnh đó, các ý kiến đã thống nhất đánh giá: Thủ tục rút gọn trong tố tụng dân sự kết hợp với Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã tạo nên cơ chế hữu hiệu giải quyết các tranh chấp đơn giản. Nếu hòa giải theo Luật Hòa giải, đối thoại không thành hoặc đương sự không lựa chọn hòa giải thì Tòa án có thể thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trong quá trình hòa giải, hòa giải viên sẽ nắm rõ những chứng cứ mà các bên cung cấp và hướng dẫn các đương sự cung cấp đầy đủ chứng cứ khi Tòa án thụ lý vụ án. Do vậy, Tòa án không phải thu thập chứng cứ và có thể áp dụng thủ tục rút gọn để vụ án được giải quyết nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm thời gian, chi phí xã hội cho việc giải quyết tranh chấp, giảm bớt áp lực công việc cho hệ thống Tòa án nhân dân và Viện kiểm sát nhân dân.

image

Điểm cầu Tòa án nhân dân cấp huyện theo dõi Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến

Thông qua việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm đã giúp cho đội ngũ cán bộ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký trong Tòa án hai cấp nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đào tạo, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm, học hỏi nâng cao về kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án, từ đó nâng cao chất lượng xét xử các loại vụ án, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

TAND huyện Sốp Cộp


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 1250
Up to Top