Loading...
Skip to main content

Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam

(16/11/2019 18:19)

Ngày 16/11/2019, tại Ninh Bình, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam nhằm tiếp tục ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc; đánh giá những thành tựu, tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân đối với hoạt động xét xử trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

PGS.TS Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cùng GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam; đồng chí Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng đồng chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam và các nhà nghiên cứu khoa học đến từ các Viện nghiên cứu, Hội khoa học lịch sử Việt Nam; đồng chí Lê Hồng Quang, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nam Định, Hà Nam…

Phát biểu tại Hội thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm tiếp tục ghi nhận, tri ân những đóng góp to lớn của các bậc tiền nhân trong lịch sử dân tộc. Đây cũng là dịp để nhìn lại lịch sử phát triển của nền tư pháp nước nhà; đánh giá những thành tựu, tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân đối với hoạt động xét xử trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước.

chanh an.jpg

Chánh án Nguyễn Hòa Bình phát biểu khai mạc Hội thảo

Kết quả của Hội thảo sẽ là cơ sở để Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan quyết định lựa chọn và xây dựng cho hệ thống Tòa án nhân dân nhân vật lịch sử thực sự tiêu biểu, đại diện cho hoạt động xét xử trong lịch sử Việt Nam; từ đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong hệ thống Tòa án nhân dân và nhân dân cả nước.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, sau khi thống nhất việc lựa chọn nhân vật tiêu biểu, Tòa án nhân dân tối cao sẽ tiến hành xây dựng hình tượng, biểu tượng thông qua các hoạt động cụ thể, thiết thực như: tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện tư liệu về nhân vật để phát hành Kỷ yếu về cuộc đời, sự nghiệp và công trạng của nhân vật; xây dựng các Tập phim lịch sử về nhân vật; tiến hành đúc tượng để tôn vinh và trưng bày tại trụ sở của Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân trong cả nước...

Nhân vật lịch sử tiêu biểu là người có công với nước, với dân, có đạo đức, trí tuệ, văn hóa nổi bật trong lịch sử dựng nước, giữ nước, tạo dựng văn hóa, văn minh và được người dân mến mộ; là tấm gương yêu nước, thương dân và hết lòng vì nước vì dân, tận tâm, tận lực vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc, vì sự tiến bộ và công bằng của xã hội; có nhân thân rõ ràng, thẳng thắn, trong sáng và trung thực…

Nhân vật lịch sử tiêu biểu còn là người có hoạt động trực tiếp và nổi bật trong hoạt động xét xử, lĩnh vực tư pháp, xây dựng pháp luật; có đóng góp quan trọng ở tầm quốc gia, có những cống hiến đặc biệt, có công trạng xuất sắc hoặc có để lại dấu ấn trong hoạt động xét xử, lĩnh vực tư pháp, xây dựng pháp luật và là biểu tượng về bảo vệ công lý, được nhân dân suy tôn và lịch sử dân tộc ghi nhận hoặc thể hiện niềm tự hào, mong ước của người dân về biểu tượng của công lý, lẽ phải.

giao su.jpg

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam trình bày báo cáo khoa học tại Hội thảo

Trên cơ sở những tiêu chí lựa chọn, Ban Chỉ đạo xây dựng nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban cùng các thành viên là các nhà khoa học lịch sử hàng đầu đã lựa chọn được 15 nhân vật lịch sử để Hội thảo trao đổi, phân tích và lựa chọn.

Báo cáo dẫn đề về các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, dưới thời quân chủ, Vua là Thiên tử có uy quyền tuyệt đối đồng thời cũng là quan tòa cao nhất. Các bộ sử của vương triều thường ghi lại khá đầy đủ và cụ thể tất cả mọi hoạt động của nhà vua. Vì vậy, vẫn còn những cơ sở quan trọng nhất để nghiên cứu đánh giá tài năng, đức độ, đóng góp và cả những sai lầm của các vị vua đó trong hoạt động công lý và xử án.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín, kinh nghiệm trong lĩnh vực lịch sử đã đã trình bày báo cáo khoa học đối với các nhân vật lịch sử; đóng góp ý kiến tâm huyết, tranh luận sôi nổi để làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, những cống hiến, thành tựu nổi bật của các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử thời kỳ quân chủ.

Một số nhân vật lịch sử nhận được nhiều ý kiến phân tích, trao đổi và đề xuất lựa chọn như Vua Lý Thái Tông, Vua Lý Thánh Tông, Vua Trần Nhân Tông, Thái phó Tô Hiến Thành (Triều Lý), Đô hộ phủ Sĩ Sư Lưu Cơ (Triều Đinh)…

toan canh.jpg

Hội thảo khoa học nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam

Trình bày nghiên cứu về Vua Lý Thái Tông, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng Vua Lý Thái Tông là nhân vật lịch sử hội tụ đầy đủ nhất các tiêu chí để lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử.

Năm 1042, vua Lý Thái Tông đã cho xây dựng bộ luật Hình thư, đây là bộ luật thành văn đầu tiên của nhà nước quân chủ Việt Nam. Bộ Hình thư ra đời thay thế cho các quy chế, luật lệ, chiếu chỉ trước đó. Bộ luật Hình thư quy định phân minh các việc xử phạt, tránh việc làm tùy tiện, nhũng lạm, gây ra oan trái cho dân của các quan lại.

Đến năm 1052, vua Lý Thái Tông cho đúc chuông lớn đặt ở cung Long Trì, trong khu vực Hoàng thành Thăng Long ngày nay, để “cho dân ai có oan ức không bày tỏ được thì đánh chuông ấy để tâu lên”.

Kết luận Hội thảo, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học cùng các nhà hoạt động thực tiễn, với tâm huyết của mình đã chia sẻ thông tin, trao đổi cởi mở, tranh luận sôi nổi nhằm làm sáng tỏ những giá trị lịch sử, những cống hiến, thành tựu nổi bật của các nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho rằng những nghiêm cứu khoa học về các nhân vật lịch sử được trình bày tại Hội thảo là hết sức ý nghĩa, có giá trị lịch sử quan trọng, sẽ góp phần tạo thêm cơ sở và niềm tin để Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử. Tuy nhiên, kho tàng thông tin về những nhân vật lịch sử là hết sức rộng lớn cần phải có lộ trình tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng và chu đáo.

luu niem.jpg

Chánh án Nguyễn Hòa Bình chụp hình lưu niệm cùng các đại biểu tham dự Hội thảo

Trên cơ sở kết quả Hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị các đơn vị giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao khẩn trương tổng hợp các ý kiến của các nhà khoa học; tích cực, khẩn trương phối hợp với Hội khoa học lịch sử Việt Nam, các nhà khoa học thực tiễn…để tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu về các nhân vật lịch sử trên.

Học viện Tòa án cần phối hợp với các nhà khoa học xây dựng bộ giáo trình, tổ chức giảng dạy về truyền thống pháp đình của Việt Nam, qua đó góp phần cung cấp thông tin, giáo dục thế hệ trẻ Tòa án về truyền thống lịch sử, về những nhân vật lịch sử có những đóng góp to lớn đối với hoạt động xét xử.

Nguyên Anh


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 1790
Up to Top