Loading...
Skip to main content

Không có chủ trương dựng và đặt tượng Vua Lý Thái Tông tại các Tòa án khác

(29/04/2020 15:45)

Thông tin về quá trình xây dựng tượng, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao Ngô Tiến Hùng cho biết, Tòa án nhân dân tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 01 bức tượng Vua Lý Thái Tông đặt tại Quảng trường Công lý thuộc Trụ sở mới của Tòa án nhân dân tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các Tòa án khác.

Chiều ngày 28/04/2020, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp Hội đồng Nghệ thuật xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông - Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam và cố Chánh án Tòa án nhân dân tối cao các thời kỳ để nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến đối với các mẫu phác thảo và thông báo rộng rãi tới công chúng, các cơ quan báo, đài về quy trình lựa chọn và tôn vinh Vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam của Tòa án nhân dân tối cao.

Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết, việc dựng tượng Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng của Tòa án nhân dân và hoạt động xét xử đã được tiến hành trong 02 năm qua. Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức xin ý kiến của các nhà khoa học lịch sử, các giảng viên, những người không nghiên cứu lịch sử; tổ chức hội thảo, lấy ý kiến trên mạng rất công phu, khoa học và khách quan.

Theo ý kiến của các nhà sử học, việc lựa chọn Nhân vật lịch sử đại diện cho nền tư pháp nước nhà có ý nghĩa rất lớn trong việc tôn vinh những cống hiến của các bậc tiền nhân trong trị vì đất nước, xây dựng nền văn hóa nước nhà. Qua đó cũng khẳng định tinh thần thượng tôn pháp luật, tuân thủ pháp luật của đất nước, của dân tộc đã có từ hàng trăm năm trước.

Ngoài ra, việc lựa chọn, tôn vinh Nhân vật lịch sử trong lịch sử tư pháp nước nhà còn có tác dụng giáo dục truyền thống, ý thức tuân thủ pháp luật, cổ vũ tinh thần hòa hiếu theo đúng tinh thần của Vua Lý Thái Tông.

5.jpg

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình khẳng định không sử dụng
ngân sách Nhà nước để xây dựng tượng

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết thêm, việc lựa chọn Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử không phải chỉ có Việt Nam mà hơn 100 nước đã thực hiện. Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học; đã thảo luận cho ý kiến đối với các công trình nghiên cứu công phu về các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Tại Hội thảo, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành lấy ý kiến của các đại biểu tham dự đối với 15 nhân vật lịch sử tiêu biểu. Kết quả 75% các chuyên gia, nhà sử học, nhà khoa học lựa chọn Vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Qua lấy ý kiến của cán bộ, công chức trong hệ thống Tòa án nhân dân, 82% ý kiến đã lựa chọn Vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam.

Tòa án nhân dân tối cao đã xin ý kiến các cơ quan, ban ngành Trung ương như: Văn phòng Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Thông tin và Truyền Thông; Bộ Tư pháp… về nhân vật lịch sử đã được hệ thống Tòa án nhân dân lựa chọn. Kết quả, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được được ý kiến đồng thuận cao từ các cơ quan này.

4.jpg

Đông đảo các nhà sử học, khoa học, nhà điêu khắc… tham dự phiên họp

Tòa án nhân dân tối cao đã mời Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sáng tác 03 mẫu phác thảo. Các mẫu phác thảo tượng Vua Lý Thái Tông đã được đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao để lấy ý kiến của công chúng cho đến hết ngày 28/04/2020.

Thông tin về quá trình xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông, Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao Ngô Tiến Hùng cho biết, qua các cơ quan báo chí, Tòa án nhân dân tối cao đã nhận được nhiều ý kiến tham gia, góp ý, trong đó có nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao hoạt động ý nghĩa này. Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến không đồng thuận cho rằng, việc làm này là không cần thiết, gây ra sự tốn kém…

Chánh Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao khẳng định, việc lựa chọn và tôn vinh Vua Lý Thái Tông là Nhân vật lịch sử tiêu biểu trong hoạt động xét xử của Việt Nam của Tòa án nhân dân tối cao được tiến hành theo một quy trình hết sức chặt chẽ, bảo đảm tính khách quan, thận trọng được các nhà sử học và công chức, người lao động trong hệ thống đồng thuận rất cao.

Tòa án nhân dân tối cao chỉ có kế hoạch xây dựng 01 bức tượng Vua Lý Thái Tông đặt tại Quảng trường Công lý thuộc Trụ sở mới của Tòa án nhân dân tối cao tại 43 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao không có chủ trương dựng và đặt tượng tại các Tòa án khác.

3.jpg

Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường trình bày về ý tưởng 03 mẫu
phác thảo nhân vật Vua Lý Thái Tông

Tại phiên họp, nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường đã trình bày về ý tưởng 03 mẫu phác thảo nhân vật Vua Lý Thái Tông. Góp ý về các mẫu tượng, đa số các ý kiến lựa chọn mẫu 01, tượng Vua Lý Thái Tông được tạo hình ở dáng đứng hiên ngang đường bệ. Chân dung tươi vui, tràn đầy năng lượng. Ánh mắt sáng phúc hậu, giao thoa với công chúng khi chiêm ngưỡng Ngài. Tay trái nâng cuốn Hình thư áp vào ngực trái, hàm ý sâu xa như truyền dạy việc xử án phải có một trái tim nhân hậu. Tay phải, 03 ngón tay chụm vào nhau chỉ về phía trước như đang chỉ bảo, răn dạy. Các họa tiết như rồng, sóng thùy ba đặc trương thời Lý. Bệ tượng mặt trước khắc biển tên ghi danh và năm sinh năm mất Vua Lý Thái Tông. Phía dưới khắc biểu ngành Tòa án (cán cân công lý). Phía sau gắn biển chữ về sự nghiệp của Vua. Hai bên tạc hình quả chuông về sự tích chuông kêu oan của dân chúng do Vua Lý Thái Tông cho đúc.

Nêu ý kiến tại phiên họp, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, cũng giống như ngành Tư pháp đã chọn cụ Lê Thánh Tông, người đã để lại dấu ấn đậm nét bởi “Bộ luật Hồng Đức” của thời đại cũ, cũng như hệ thống quản lý và cai trị đất nước; ngành Y tế chọn cụ Hải Thượng Lãn Ông là nhân vật tiêu biểu… thì ngành Tòa án chọn Vua Lý Thái Tông làm biểu tượng xét xử cũng là chuyện hết sức bình thường.

2.jpg

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh lựa chọn mẫu tượng số 01

Đánh giá cao và lựa chọn mẫu tượng số 01 nhưng để tiếp tục hoàn thiện mẫu tượng, nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh cho rằng nên bỏ chi tiết Vua Lý Thái Tông đeo thanh gươm, nên đúc tượng bằng đồng nguyên khối cả phần đế tượng (theo thiết kế phần đế tượng sẽ làm bằng đá) để tăng phần hài hòa, thống nhất của bố cục và ý kiến này cũng nhận được sự đồng tình của các thành viên Hội đồng nghệ thuật.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cho rằng nên điều chỉnh về trang phục, kích thước tỷ lệ hình khối của tượng để thêm phần uy nghiêm, trang trọng, mang nhiều hơn nữa những yếu tố thuần việt hơn, đậm nét bản sắc thời Lý và lột tả rõ nét hơn hình tượng một vị vua biểu tượng cho hoạt động xét xử.

1.jpg

Nhà sử học, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Hội Lịch sử Việt Nam
Dương Trung Quốc nêu ý kiến tại phiên họp

Kết luận phiên họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông làm nhân vật tiêu biểu cho hoạt động xét xử được tiến hành rất thận trọng, khoa học, tỷ mỉ, nhất quán và cần thiết. Các nhà khoa học, điêu khắc, văn hóa… đã làm việc hết sức tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm và khoa học.

Liên quan đến những dư luận và các ý kiến đóng góp thời gian qua, Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, ý kiến người dân là rất tích cực. Tòa án đã lắng nghe dư luận và tiếp thu ý kiến đóng góp. Chánh án cũng lưu ý các thành viên hội đồng tiếp thu ý kiến của nhân dân một cách sáng suốt, minh mẫn để công việc đạt chất lượng cao nhất. Về ý kiến đóng góp của các thành viên hội đồng, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị tác giả tiếp thu và điều chỉnh hình mẫu.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng khẳng định, trước mắt, trong thời gian COVID-19 đang diễn ra, ngành Tòa án chưa đặt ra vấn đề xây dựng tượng đài Vua Lý Thái Tông mà dành thời gian tiếp tục hoàn thiện, sáng tác. Việc xây dựng tượng Vua Lý Thái Tông nếu tiến hành trong tương lai, vào thời điểm thích hợp sẽ không dùng ngân sách mà là bằng sự đóng góp của toàn thể cán bộ, công chức ngành Tòa án. Đây là việc Tòa án nhân dân các cấp tự nguyện làm để ghi nhận, tôn vinh công trạng của vị Hoàng đế Lý Thái Tông.

Nguyên Anh


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 2695
Up to Top