Loading...
Skip to main content

Họp Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án

(08/09/2020 15:56)

Sáng ngày 08/9/2020, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án tổ chức phiên họp đầu tiên để trao đổi về những nội dung liên quan đến việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án chủ trì phiên họp.

Tại phiên họp, đại diện Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao công bố Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Quyết định ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Quyết định phân công nhiệm vụ các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo.

image

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải,
đối thoại tại Tòa án Nguyễn Văn Du phát chủ trì phiên họp

Phát biểu tại phiên họp, đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nhấn mạnh tầm quan trọng, ý nghĩa của công tác hòa giải, đối thoại và sự cần thiết của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trên cơ sở đó, đồng chí đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc nghiên túc trao đổi về những nội dung cụ thể của Kế hoạch triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; khẩn trương triển khai các công việc được phân công nhiệm vụ.

Trao đổi nêu ý kiến tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với Kế hoạch và phân công nhiệm vụ. Bên cạnh đó có một số ý kiến đề nghị nên xây dựng Kế hoạch chi tiết, cụ thể hơn; bổ sung thêm Thẩm phán hành chính; khẩn trương ban hành các Thông tư về quy trình, cách thức lựa chọn hòa giải viên, đối thoại viên; làm việc với Chính phủ về mức chi phí đối với hòa giải viên, đối thoại viên, chuẩn bị cơ sở vật chất…

Ngoài ra, cũng có nhiều ý kiến đề cập đến công tác tập huấn, xây dựng giáo trình tập huấn về kỹ năng hòa giải đối với Hòa giải viên, đối thoại viên; công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc cần tập trung vào 03 vấn đề chính: Xây dựng các Văn bản pháp luật; đẩy mạnh công tác tập huấn; tăng cường công tác tuyên truyền.

Để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trên, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du yêu cầu Vụ pháp chế và Quản lý khoa học chủ trì phối hợp với Văn phòng, Cục Kế hoạch tài chính làm việc với Bộ Tài chính về nội dung cụ thể của Nghị định Chính phủ về mức chi phí đối với hòa giải viên, đối thoại viên, chuẩn bị cơ sở vật chất; khẩn trương xây dựng Thông tư của Chánh án, trong đó cần quy định cụ thể về nội dung, số lượng, quy trình, cách thức lựa chọn Hòa giải viên, đối thoại viên.

Đối với các thành viên Ban Chỉ đạo được giao phụ trách công tác triển khai tại các địa phương cần chủ động liên hệ, trao đổi với địa phương để nắm bắt những khó khăn, nhu cầu… của địa phương để chuẩn bị thật tốt cho việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Về nội dung tập huấn sẽ do đồng chí Tống Anh Hào, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng Ban chỉ đạo triển khai; Học viện Tòa án xây dựng giáo trình để phục vụ công tác tập huấn; giao Tạp chí Tòa án nhân dân chủ trì phối hợp với Báo Công lý, Cổng Thông tin điện tử xây dựng dự thảo Đề cương tuyên truyền về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Nguyên Anh


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 1817
Up to Top