Cổng thông tin điện tử trân trọng giới thiệu toàn văn kết luận của đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022.
Thưa toàn thể các đồng chí,
Sau một ngày rưỡi làm việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2022 đã hoàn thành toàn bộ nội dung theo đúng chương trình đề ra và có thể khẳng định Hội nghị chúng ta đã thành công tốt đẹp.
Hội nghị của chúng ta đã được vinh dự đón tiếp đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương; các đồng chí nguyên là lãnh đạo, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao nghỉ hưu trong năm 2021, đây là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với cán bộ, công chức và người lao động Tòa án các cấp.
Hội nghị đã nghe, quán triệt nội dung bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc các cơ quan Nội chính để triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đã đánh giá khách quan, toàn diện kết quả công tác đạt được cũng như chỉ ra những công việc mà các Tòa án phải tập trung thực hiện thời gian tới.
Nội dung chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư rất sát với tình hình thực tiễn của Tòa án các cấp, chỉ ra những định hướng cải cách không chỉ riêng đối Tòa án mà cho cả nền tư pháp nước nhà trong thời gian tới. Toàn văn bài phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân, Báo Công lý. Đề nghị các đồng chí nghiên cứu kỹ và quán triệt và tổ chức thực hiện hiệu quả trong toàn thể cán bộ, công chức.
Tại Hội nghị chúng ta đã nghe trình bày Nghị quyết của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, nghe báo cáo tổng hợp những vấn đề rút kinh nghiệm trong công tác chuyên môn thông qua tổng kết thực tiễn xét xử, nghe các tham luận, góp ý đối với dự thảo báo cáo tổng kết công tác năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 và dự thảo Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về những nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2022. Ban tổ chức cũng đã vinh danh, trao tặng tại hội nghị các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác năm 2021.
Tôi thay mặt lãnh đạo Tòa án tối cao xin chúc mừng các đồng chí tập thể và cá nhân đã được nhận thưởng Huân chương, Bằng khen Thủ tướng của Chính phủ, Cờ thi đua Chính phủ… nhưng cũng lưu ý một số nội dung mà hệ thống Tòa án cố gắng, nỗ lực khắc phục khó khăn, hạn chế, thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh để triển khai thực hiện thành công các mặt công tác năm 2022; để có thêm nhiều tập thể, cá nhân được nhận Cờ thi đua Chính phủ, Bằng khen và các phần thưởng cao quý khác.
Các đại biểu đã nghe giới thiệu tóm tắt Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030 định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (gọi tắt là Đề án số 21) trong đề án thành phần về Xây dựng nhà nước pháp quyền của Bộ Chính trị. Đây là những nội dung cải cách tư pháp cốt yếu của Tòa án.
Về cơ bản Hội nghị đã hoàn thành các nội dung đề ra với chất lượng cao, các ý kiến thảo luận hội trường, các điểm cầu chúng tôi đánh giá chất lượng, thẳng thắn và đã sát với yêu cầu của Hội nghị. Hầu hết ý kiến đã bày tỏ sự nhất trí cao đối với các nội dung đã trình bày tại Hội nghị, làm rõ thêm nhiều vấn đề, nêu lên một số kinh nghiệm về cách làm tốt trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai những nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022; đồng thời các ý kiến thảo luận cũng nêu ra những vướng mắc về nghiệp vụ cần phải giải đáp, một số kiến nghị, đề xuất đối với Ban cán sự đảng và lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao ghi nhận các ý kiến này và tiếp thu thể hiện trong các văn kiện sẽ được phát hành chính thức sau Hội nghị.
Về những vấn đề cụ thể, Tôi lưu ý 04 nội dung: Thứ nhất là, một số vấn đề về đánh giá tình hình công tác năm 2021. Thứ hai là những lưu ý về nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022. Thứ ba là những vấn đề về cải cách tư pháp trong Tòa án đang được tập trung nghiên cứu và sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương vào tháng 10 năm 2022. Nếu như Ban Chấp hành Trung ương thông qua, đây sẽ là một lộ trình cải cách tư pháp mới mà Tòa án nhân dân sẽ phải thực hiện từ nay đến 2030 và những năm tiếp theo. Thứ tư, những việc cần phải triển khai sau Hội nghị.
(1) Đánh giá năm 2021 đã được thể hiện trong báo cáo tóm tắt do đồng chí Phó chánh án Nguyễn Trí Tuệ trình bày tại Hội nghị và qua Video Clip “10 sự kiện nổi bật của Tòa án nhân dân năm 2022”, thành tựu nổi bật là:
Một là, năm 2021, mặc dù triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng đến các mặt công tác nhưng nhìn chung Tòa án nhân dân các cấp đã hoàn thành đạt nhiều chỉ tiêu và một số chỉ tiêu vượt các yêu cầu Quốc hội giao, với chất lượng ngày càng cao.
Hai là, Tòa án nhân dân đã thực hiện tốt các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Các Tòa án kịp thời đưa ra xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng; đã xử lý nghiêm các vụ án tham nhũng do những người có chức vụ, quyền hạn thực hiện, được dư luận xã hội rất quan tâm, đồng tình, ủng hộ và nhận được sự đánh giá cao của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhân dân tin tưởng.
Ba là, Tòa án nhân dân đã triển khai thực hiện Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Đây là một thiết chế mới giải quyết các xung đột xã hội một cách hòa thuận và có hiệu quả. Đây là Bộ luật có ý nghĩa to lớn đối với hoạt động của Tòa án. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Hiện tại, số lượng hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại của các Tòa án chưa cao, điều này do rất nhiều nguyên nhân như ảnh hưởng của Covid-19 phải thực hiện giãn cách xã hội nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan đến từ hệ thống, đó là một số Thẩm phán còn có tình trạng ngại hòa giải, muốn được xét xử các vụ án đơn giản để đảm bảo chỉ tiêu thi đua. Năm 2022 và trong những năm tiếp theo cần khắc phục triệt để tình trạng này, tăng cường hơn nữa công tác hòa giải, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm công tác.
Bốn là, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Tòa án nhân dân đã đưa vào ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin như công khai bản án, quyết định trên Cổng Thông tin của Tòa án nhân dân tối cao, cho đến nay đã công khai được gần 800.000 bản án; đưa vào hệ thống quản lý nhân lực, quản lý tài chính, quản lý tài sản trên nền tảng số; các phần mền về công tác thống kê, trả lời đơn thư…; và đặc biệt mới đây Tòa án các cấp đã đưa vào sử dụng 4 ứng dụng về công nghệ thông tính mang tính đột phá, như: phần mềm Trợ lý ảo, Trung tâm giám sát và điều hành Tòa án nhân dân, nền tảng xét xử trực tuyến và Trung tâm Tư liệu-Thư viện.
Trung tâm Tư liệu-Thư viện, trong đó có thư viện số được kết nối với Thư viện quốc gia, Thư viện các đại học Luật, Đại học quốc gia, Thư viện của Quốc hội và và nhiều các nền tảng số khác đã và sẽ tạo ra một kho tri thức khổng lồ để tạo điều kiện cho các Thẩm phán, cán bộ, công chức của Tòa án tự nghiên cứu, học tập và trau dồi kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ.
Năm là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, cải thiện từng bước về cơ sở vật chất cho hệ thống Tòa án, không còn tình trạng 35 trụ sở Tòa án cấp huyện phải đi thuê; trang bị phương tiện đi lại, làm việc cho các cơ quan Tòa án theo đề án đã phê duyệt. Theo kế hoạch, trong năm nay và đến cuối nhiệm kỳ quyết tâm của Ban cán sự đảng là hoàn thành xây dựng trụ sở cho 15 Tòa cấp tỉnh và hoàn thiện trụ sở cho 101 Tòa án cấp huyện. Với quyết tâm như vậy, nhiệm kỳ này sẽ cải thiện đáng kể nơi làm việc cho cán bộ Tòa án.
Sáu là, hoạt động đối ngoại mở rộng, năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của Covid-19 nhưng các hoạt động đối ngoại của Tòa án cũng được tăng cường, Tòa án Việt Nam đã khẳng định được vị thế trong các thiết chế song phương và đa phương. Hội nghị Chánh án các nước ASEAN lần thứ 8 (CACJ) do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đăng cai tổ chức với vai trò là Chủ tịch CACJ đã thành công tốt đẹp. Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao duy trì trao đổi với các Chánh án Tòa án quốc tế trên các nền tảng trực tuyến như: Chánh án Nga, Trung Quốc…; tranh thủ triển khai các nguồn lực hỗ trợ của các tổ chức quốc tế trong phát triển án lệ và xây dựng hệ thống pháp luật, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm,…
(2) Phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2022, Tôi nhấn mạnh đến 10 nhiệm vụ trọng tâm được thể hiện trong Nghị quyết của Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao về lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án năm 2022; dự thảo Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao công tác Tòa án năm 2022, và yêu cầu các Tòa án nghiên cứu kỹ và triển khai thực hiện có hiệu quả.
Trong đó, nhiệm vụ đầu tiên, đặc biệt quan trọng là các Tòa án tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Nhiệm vụ thứ hai là nhiệm vụ căn cốt của hệ thống Tòa án là nâng cao chất lượng xét xử. Nhiệm vụ thứ ba là tham gia có trách nhiệm và có hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiệm vụ thứ tư, hết sức quan trọng là vấn đề đổi mới và chấn chỉnh công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Nhiệm vụ thứ năm tăng cường xây dựng thể chế và bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong hoạt động xét xử. Nhiệm vụ thứ sáu là thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh. Nhiệm vụ thứ bảy là tăng cường, mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế theo đúng định hướng công tác đối ngoại của Đảng; nghiên cứu, hoàn thiện và tổ chức thực hiện Đề án đối ngoại của Tòa giai đoạn 2022-2030 nhằm nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án. Nhiệm vụ thứ tám là tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong Tòa án thông qua việc khẩn trương hoàn thiện và đưa vào sử dụng các phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Tòa án. Nhiệm vụ thứ chín là tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng, cải tạo trụ sở của các Tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp nhằm củng cố và hiện đại hóa cơ sở vật chất của Tòa án các cấp. Nhiệm vụ thứ mười là đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, truyền thông về tổ chức, hoạt động của Tòa án.
Đối với nhiệm vụ thứ tư, liên quan đến kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm, Tôi lưu ý: Chỉ hơn một nhiệm kỳ thôi nhưng số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi đến hệ thống Tòa án quá nhiều đơn, với 16.000 đơn trên 01 năm, tình trạng đó có nguy cơ trở thành cấp xét xử thứ ba, trong khi Hiến pháp quy định chúng ta chỉ có hai cấp xét xử là sơ thẩm và phúc thẩm.
Đối với nhiệm vụ xây dựng thể chế trong nhiệm kỳ qua, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực tham gia xây dựng rất nhiều luật và tiếp tục phát triển án lệ. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên trong năm qua, chúng ta không duy trì được cơ chế Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao ban hành các giải đáp nghiệp vụ và đặc biệt là trao đổi trực tiếp với Thẩm phán toàn quốc thông qua hình thức truyền hình trực tuyến.
Về hơn 100 vấn đề về nghiệp vụ đã được tổng hợp tại Hội nghị, Tôi yêu cầu Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học trẩn khương nghiên cứu, đề xuất Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giải đáp và để lên kế hoạch tổ chức đối thoại giữa Hội đồng thẩm phán với các Tòa án địa phương trong thời gian tới.
Tôi nhấn mạnh thêm một số vấn đề mới có tính chất then chốt, quan trọng mà các Tòa án cần tập trung chỉ đạo, điều hành thực hiện thành công.
Thứ nhất, về hòa giải, đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Năm 2021, Tòa án các cấp đã hòa giải thành hơn 10.400 vụ trên tổng số 28.000 vụ có đủ điều kiện hòa giải, đây là tỷ lệ còn kiêm tốn, chưa cao. Về nội dung này, toàn hệ thống cần phải nhận thức lại cho đúng ý nghĩa, vai trò của hòa giải, không được xem nhẹ, phải coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm, có vai trò quan trọng như là hoạt động xét xử, có ý nghĩa rất lớn đối với Tòa án và xã hội. Đề nghị Chánh án Tòa án các cấp phải quán triệt, chỉ đạo tăng cường, đẩy mạnh công tác hòa giải, đảm bảo về cả số lượng và chất lượng; tổ chức một Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để trao đổi, thảo luận, rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp, nhiệm vụ tăng cường phù hợp.
Thứ hai, về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 ngày 12/11/2021 của Quốc hội chính thức có hiệu lực từ 01/1/2022. Hiện nay về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc tổ chức phiên tòa trực tuyến còn hạn chế, khó khăn. Ngay sau Hội nghị, Cục Kế hoạch-Tài chính cần khẩn trương hướng dẫn các Tòa án địa phương xây dựng đề án về trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phòng xử trực tuyến, trước mắt đảm bảo mỗi Tòa án tỉnh, thành phố, Tòa án cấp huyện phải có ít nhất một phòng xét xử trực tuyến để đáp ứng yêu cầu của tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc Hội.
Hiện tại chưa thể trang bị cho toàn Tòa án cấp huyện nhưng cần tính toán, phân loại thứ tự hợp lý, ưu tiên các quận, huyện có quy mô từ 1.000 vụ án trở lên để đầu tư trang bị phòng xét xử trực tuyến như cấp Tòa án cấp tỉnh, phấn đấu trong quý II năm 2022 tất cả các Tòa án địa phương đều phải có phiên tòa xét xử trực tuyến; Tòa án các cấp cần căn nhắc, tự điều chỉnh nguồn ngân sách được cấp để chủ động đầu tư, trang cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác.
Trong quá trình triển khai, Tòa án các địa phương cần làm theo lộ trình từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, học hỏi từ kinh nghiệm của các đơn vị đã tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến như Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Tòa án nhân dân các tỉnh Bắc Giang, Hải Phòng để phổ biến, nhân rộng đến Tòa án cấp huyện. Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học nghiên cứu để có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33 của Quốc hội.
Các Tòa án nhân dân cấp cao tăng cường tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến để đảm bảo rút ngắn thời gian, chi phí, tạo thuận lợi cho các bên đương sự…khi tham gia phiên tòa. Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao khuyến khích Tòa án các cấp, đặc biệt là cấp huyện tổ chức nhiều hơn phiên tòa xét xử trực tuyến và sẽ tiến hành tổng kết, khen thưởng trên cơ sở kết quả về việc tổ chức phiên tòa trực tuyến của Tòa án các cấp.
Thứ ba, các Tòa án đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động Tòa án, đặc biệt là ứng dựng phần mềm Trợ lý ảo vừa được đưa vào sử dụng. Phần mềm này được xem là một bước tiến lớn, điểm sáng trong ứng dụng công nghệ thông tin của hệ thống Tòa án, được đồng chí Chủ tịch Quốc hội đánh giá rất cao.
Giai đoạn một của phần mềm Trợ lý ảo chỉ cung cấp 4 dịch vụ: Giới thiệu điều luật, hệ thống luật để các Thẩm phán áp dụng; Giới thiệu những án lệ liên quan đến vụ án để vận dụng xét xử; Những vấn đề trong giải đáp nghiệp vụ (gồm hai phần là giải đáp chính thống của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gồm 300 câu và giải đáp của các Thẩm phán có kinh nghệm để tham khảo); Đưa ra các vụ án có tình huống pháp lý tương tự để tham khảo.
Việc Công khai bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân tối cao bên cạnh nhiều công dụng còn là nguồn dữ liệu quan trọng cho Trợ lý ảo tìm kiếm, chỉ dẫn áp dụng, Tôi yêu cầu các Tòa án tăng cường công bố bản án, quyết định để phục vụ cho công tác này, xem việc công khai bản án, quyết định là thực hiện nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2022; đề nghị Vụ Tổng hợp thống kê, tổng hợp số lượng bản án được công bố của các Tòa án địa phương, gửi để Chánh án Tòa án địa phương đôn đốc thực hiện nghiêm và hiệu quả.
Thứ tư, về giám đốc thẩm, tái thẩm, Tôi lưu ý, “vi phạm tố tụng nghiêm trọng và làm thay đổi bản chất vụ án” mới là điều kiện kháng nghị giám đốc thẩm. Vì vậy, các Tòa án cấp cao lưu ý về vấn đề này. Các Tòa án cấp trên cần nhận thực rõ chức năng của mình là: sửa sai những bản án có sai sót cấp dưới và bổn phận bảo vệ quyền xét xử của Tòa án/Thẩm phán. Hội đồng Thẩm phán TANDTC cũng đã có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Từ đó, Chánh án đề nghị kháng nghị/xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm phải đúng pháp luật và hết sức thận trọng, chắc chắn.
(3) Về cải cách tư pháp, đây được xem như là cơ hội để biến đổi ngành, cơ hội để phát triển thêm, xây dựng Tòa án thực sự trong sạch vững mạnh, hiện đại liêm chính, chỗ dựa của công lý, cơ hội để tăng uy tín niềm tin của nhân dân. Trong phiên thảo luận tại Hội nghị đã có một số ý kiến đóng góp, đề nghị các đại biểu tiếp tục nghiên cứu các nội dung và tham gia ý kiến về cải cách tư pháp.
(4) Về những nội dung cần triển khai sau hội nghị, Chánh án nhấn mạnh: Các đơn vị tổ chức triển khai công tác năm 2022, lưu ý những nội dung đã được nêu trong hội nghị; khẩn trương nghiên cứu, những kiến nghị, dự kiến về đổi mới của Tòa án sau đó tiến hành tham mưu, góp ý kiến cho dự kiến này. Lãnh đạo các Tòa án cần chỉ đạo quyết liệt các giải pháp đột phá, đặc biệt là lưu ý những vấn đề vừa nêu. Công tác quy hoạch cán bộ cũng là việc làm quan trọng và cần tập trung thực hiện; quy hoạch bài bản, hệ thống theo hướng dẫn của Bộ Chính trị.
Liên quan đến những kiến nghị, đề xuất của các Tòa án, Ban cán sự đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao cho rằng một số là rất xác đáng (cân nhắc chỉ tiêu hòa giải của Tòa án cấp tỉnh, kinh phí, trang bị cơ sở vật chất…) và ghi nhận; sẽ chuyển các đơn vị chức năng nghiên cứu, tham mưu giải quyết.
Cuối cùng, nhân dịp năm mới 2022 sắp đến và chuẩn bị đón Tết cổ truyền của dân tộc - Tết Nhâm Dần, thay mặt Ban cán sự đảng và lãnh đạo Toà án nhân dân tối cao, tôi xin chúc các vị khách quý, các đại biểu cùng toàn thể cán bộ, công chức, người lao động Toà án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp và gia đình một năm mới dồi dào sức khoẻ, hạnh phúc và thành công.
Tới đây, tôi xin tuyên bố bế mạc Hội nghị.
Trân trọng cảm ơn các đồng chí!