Ngày 30/3, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Cơ quan đặc trách các vấn đề về ma túy và thực thi pháp luật quốc tế-Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (INL) tổ chức Hội thảo công bố nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong các vụ án hình sự.
Đồng chí Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tham dự và chủ trì Hội thảo. Cùng tham dự có Ngài Thomas Lyons, Giám đốc Chương trình của INL tại Việt Nam; đồng chí Chu Trung Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và các đại biểu thuộc các đơn vị Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội và các chuyên gia thuộc Đại học bang Michigan, Đại học Cornell của Hoa Kỳ tham gia bằng hình thức trực tuyến.
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du đánh giá cao việc INL đã chủ động phối hợp và hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao tiến hành nhiều hoạt động, phục vụ thiết thực cho công tác nghiên cứu, thúc đẩy cải cách của Tòa án Việt Nam. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Chính phủ hai nước theo Thư thỏa thuận về trợ giúp thực thi pháp luật và tư pháp hình sự (LOA), tính từ đầu năm 2018 đến nay, INL đã trực tiếp hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao thực hiện nhiều hoạt động nhằm tăng cường tìm hiểu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm của Hoa Kỳ về những lĩnh vực mà Việt Nam quan tâm, phục vụ thiết thực cho công cuộc cải cách pháp luật và tư pháp của Việt Nam.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du phát biểu tại Hội thảo
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du khẳng định, Việt Nam luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho mục tiêu cải cách tư pháp theo hướng xây dựng hệ thống Tòa án vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ được công bằng, lẽ phải và tin tưởng tư pháp; tăng cường sự giám sát của cơ quan dân cử và nhân dân. Đây là một trong 09 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Tòa án để thực hiện cải cách tư pháp đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cơ chế người dân tham gia xét xử đã có quá trình áp dụng lâu dài và ổn định tại Việt Nam từ những năm 60 của thế kỷ trước; tuy nhiên, đứng trước bối cảnh phát triển mới của đất nước, cần nhìn nhận lại và đánh giá một cách khách quan về sự phù hợp của mô hình này, từ đó có những bổ sung, thay đổi cho hợp lý.
Tòa án nhân dân tối cao rất hoan nghênh việc Nhóm chuyên gia của Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với các chuyên gia, luật gia của Hoa Kỳ tiến hành “Nghiên cứu so sánh về chế định người dân tham gia xét xử trong lĩnh vực hình sự.” Nghiên cứu này được kỳ vọng sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho công tác rà soát, cải cách chế độ Hội thẩm nhân dân hiện nay cũng như hoạt động nghiên cứu khoa học pháp lý nói chung.
Hội thảo công bố nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong các vụ án hình sự
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du mong muốn nghiên cứu sẽ nhận được nhiều ý kiến phản hồi, qua đó khơi nguồn cho những tranh luận về chủ đề này, đồng thời giúp lan tỏa lý tưởng về một nền tư pháp thực sự dân chủ, nơi người dân giữ vai trò đặc biệt quan trọng khi họ trực tiếp tham gia vào công tác xét xử của Tòa án.
Công bố nghiên cứu so sánh về chế định nhân dân tham gia xét xử trong các vụ án hình sự của Hoa Kỳ, Nhật Bản và Việt Nam, Phó Vụ trưởng Chu Trung Dũng thay mặt nhóm tác giả đã khái quát về lịch sử hình thành và phát triển của chế định tại mỗi quốc gia, qua đó chỉ ra những điểm tương đồng cũng như khác biệt và rút ra những bài học kinh nghiệm, đề xuất để hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân tại Việt Nam.
Theo ông Chu Trung Dũng, khi nghiên cứu mô hình nước ngoài để tìm ra những bài học kinh nghiệm, lựa chọn, chỉnh sửa và áp dụng vào một quốc gia, nếu chỉ nghiên cứu chính mô hình đó là không đủ, cần phải mở rộng nghiên cứu rộng hơn, đến môi trường pháp lý, văn hoá, xã hội mà mô hình được tìm hiểu vận hành. Khi so sánh mô hình Hội thẩm của Việt Nam với hai mô hình được lựa chọn, cần lưu ý thêm một số vấn đề vượt ra ngoài phạm vi mô hình bồi thẩm đoàn hoặc Toà án viên. Đây là những vấn đề nền tảng, có ảnh hưởng sâu sắc đến các đề xuất cải cách.
Phó Chánh án Nguyễn Văn Du chụp hình lưu niệm cùng các chuyên gia và đại biểu
Để hoàn thiện chế định Hội thẩm nhân dân tại Việt Nam, nhóm nghiên cứu đề xuất cần mở rộng cơ cấu, thành phần ứng viên Hội thẩm, bảo đảm đại diện đầy đủ cho các tầng lớp nhân dân trong xã hội, khắc phục thực trạng Hội thẩm chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức đang công tác; Nghiên cứu khả năng thiết lập Hội thẩm đoàn tham gia xét xử các vụ án nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; Thay đổi thành phần hội đồng xét xử theo hướng tăng số lượng Thẩm phán, giảm số lượng Hội thẩm; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho Hội thẩm; Cần thiết kế quy trình nghị án tách biệt giữa Thẩm phán và Hội thẩm; Hoàn thiện chế độ, chính sách dành cho Hội thẩm; Nghiên cứu xây dựng luật độc lập về chế định Hội thẩm.
Nguyên Anh