Ngày 29/12, đồng chí Nguyễn Văn Du, Uỷ viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tiếp xã giao ông Ki Dong-min, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp chế tư pháp Quốc hội Hàn Quốc với cùng các thành viên đoàn công tác.
Vui mừng chào đón Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp chế tư pháp Quốc hội Hàn Quốc Ki Dong-min, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du đã khái quát lại mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Trong 30 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã có nhiều bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực.
Đặc biệt, năm 2022, hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đây là dấu mốc quan trọng trong hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc, là dịp để hai bên thúc đẩy hợp tác trong mọi lĩnh vực, trong đó có hợp tác về tư pháp.
Nhấn mạnh về lĩnh vực hợp tác tư pháp, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết quan hệ hợp tác giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án Hàn Quốc được triển khai từ năm 2002 và ngày càng phát triển tốt đẹp. Từ năm 2008 đến nay, thông qua Koica, Tòa án tối cao hai nước đã thực hiện được rất nhiều hoạt động quan trọng, đóng góp tích cực cho sự phát triển của hệ thống Tòa án Việt Nam. Dự án Tăng cường năng lực Trường Cán bộ Tòa án (nay là Học viện Tòa án) là dự án hợp tác nổi bật nhất; nhằm đào tạo, bồi dưỡng Thẩm phán, cán bộ Tòa án, đào tạo nâng ngạch các chức danh trong hệ thống Tòa án, góp phần nâng cao chất lượng công tác xét xử, giải quyết các loại án…

Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du tiếp xã giao Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp chế tư pháp Hàn Quốc
Trên cơ sở mối quan hệ hợp tác tốt đẹp, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du mong muốn phía Hàn Quốc tiếp tục ủng hộ Tòa án Việt Nam để tiến hành các thủ tục cho Chương trình quản lý sau dự án, nhằm hoàn thiện một số chức năng hệ thống quản lý án tổng hợp và đào tạo tư pháp, đáp ứng yêu cầu của cải cách tư pháp Việt Nam và giai đoạn 4 dự án “Nâng cao năng lực Học viện Toà án Việt Nam trên nền tảng công nghệ đổi mới kỹ thuật số” được Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền của hai nước phê duyệt và sớm triển khai hoạt động để Học viện Tòa án đạt được các mục tiêu đề ra, xứng tầm là trung tâm đào tạo chức danh tư pháp trong toàn quốc.
Theo Phó Chánh án Nguyễn Văn Du, Việt Nam đang trong quá trình cải cách và từng bước hoàn thiện hệ thống cải cách tư pháp, do đó, TANDTC Việt Nam mong muốn được tham khảo kinh nghiệm của Hàn Quốc và tăng cường mối quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực: Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về luật tư pháp người chưa thành niên; Tăng cường đào tạo tư pháp, đặc biệt là Thẩm phán; Tiếp tục hỗ trợ TANDTC Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin để tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.

Đoàn công tác của Ủy ban pháp chế tư pháp Hàn Quốc chụp hình lưu niệm cùng Phó Chánh án Nguyễn Văn Du
Trao đổi tại buổi tiếp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp chế tư pháp Quốc hội Hàn Quốc Ki Dong-min bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những kết quả mà hai bên đã thực hiện qua các giai đoạn của Dự án "Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam".
Nhấn mạnh về sự hợp tác giữa hai nước giờ đây không chỉ dừng ở mối quan hệ tư pháp mà còn cả hợp tác, giao lưu kinh tế, tiến tới là giao lưu nhân dân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp chế tư pháp Quốc hội Hàn Quốc Ki Dong-min cho rằng, thời điểm này là thời kỳ Hàn Quốc xây dựng các mối quan hệ mang tính chất lâu dài, ổn định hơn, điển hình là mối quan hệ với Việt Nam; đồng thời mong muốn quan hệ giữa hai nước cũng như giữa Toà án tối cao hai nước sẽ ngày càng phát triển hơn nữa.
Trao đổi tại buổi tiếp, Chủ nhiệm Ủy ban bình đẳng giới và gia đình, thành viên Ủy ban pháp chế Quốc hội Hàn Quốc Kwon In-Sook mong muốn Tòa án hai nước sẽ có nhiều nội dung giao lưu về bảo vệ quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em trong tình hình hiện nay.
Về nội dung mà Chủ nhiệm Ủy ban bình đẳng giới và gia đình, thành viên Ủy ban pháp chế Quốc hội quan tâm, Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho biết Quốc Hội và Toà án Việt Nam rất quan tâm đến quyền, lợi ích của phụ nữ và trẻ em thể hiện thông qua việc đã thành lập Tòa Gia đình và Người chưa thành niên nhằm bảo vệ nhóm yếu thế này.
Nguyên Anh