Đó là một trong những nội dung quan trọng được đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quán triệt tại Hội nghị tập huấn trực tuyến diễn ra vào chiều ngày 15/02 về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam.
Tham dự tại điểm cầu trung tâm Tòa án nhân dân tối cao có đồng chí Nguyễn Trí Tuệ, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cùng lãnh đạo, Thẩm tra viên, Thư ký của các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao. Và hơn 12000 đại biểu thuộc Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp tại hơn 800 điểm cầu trong hệ thống Tòa án.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình quán triệt nội dung tập huấn tại Hội nghị
Tại Hội nghị, PGS-TS Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giới thiệu về định hướng cải cách tư pháp ở Việt Nam, một số nội dung cải cách tư pháp, khẳng định cải cách tư pháp có vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là bảo vệ quyền con người.
Chánh án Nguyễn Hòa Bình giới thiệu cụ thể về những vấn đề lớn: Sự cần thiết phải cải cách tư pháp; quan điểm mục tiêu cải cách tư pháp; nhiệm vụ và giải pháp; lộ trình thực hiện và các nhiệm vụ trọng tâm của cải cách tư pháp. Trong đó, Chánh án đặc biệt quan tâm tới nội dung xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; vị trí, vai trò của Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp; những nội dung quan trọng của Đề án “Cải cách tư pháp tại Tòa án nhân dân đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”…
Giới thiệu về Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Chánh án Nguyễn Hòa Bình tập trung vào nhóm nhiệm vụ xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân với những nội dung chính như: Hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý mọi hành vi can thiệp trái pháp luật vào hoạt động tư pháp; Bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử; Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; Xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá, bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận; Áp dụng hiệu quả thủ tục tố tụng tư pháp rút gọn; kết hợp các phương thức phi tố tụng tư pháp với tố tụng tư pháp; Ðổi mới và nâng cao hiệu quả cơ chế Nhân dân tham gia xét xử tại liên quan đến tư pháp, bảo đảm tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công; Hoàn thiện cơ chế để khắc phục tình trạng quan hệ giữa các cấp Tòa án là quan hệ hành chính. Phân định rõ nhiệm vụ xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm, xét lại bản án, quyết định; Xác định thẩm quyền của Tòa án để thực hiện đầy đủ, đúng đắn quyền tư pháp, mở rộng thẩm quyền của Tòa án trong xét xử các vi phạm hành chính, quyết định một số vấn đề liên quan đến quyền con người, quyền công dân; Ðổi mới chính sách, chế độ tiền lương, thời hạn bổ nhiệm và cơ chế bảo đảm để đội ngũ cán bộ tư pháp yên tâm công tác, nhất là đối với đội ngũ Thẩm phán…

Toàn cảnh Hội nghị
Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra 09 nhiệm vụ, giải pháp cải cách tư pháp gồm: Xây dựng nền tư pháp vì Nhân dân, bảo vệ quyền uy tư pháp. Xác định nội hàm, đặc trưng, chủ thể thực hiện quyền tư pháp. Hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp. Đổi mới hoạt động của cơ quan tư pháp. Nâng cao chất lượng nhân lực của Tòa án. Tăng cường cơ sở vật chất, bảo đảm nguồn lực. Xây dựng Tòa án điện tử. Tăng cường hợp tác quốc tế. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng.
Về lộ trình thực hiện từ nay đến 2030 tiếp tục hoàn thiện, bổ sung hệ thống pháp luật về tư pháp, tổ chức Tòa án, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân... Hoàn thiện nhiệm vụ, thẩm quyền và tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp. Đổi mới nhiệm vụ ban hành án lệ, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật Xây dựng chế độ xét xử công khai, minh bạch. Nâng cao chất lượng nhân lực, đặc biệt là Thẩm phán; đảm bảo số lượng cần thiết tối thiểu, cơ cấu phù hợp. Đảm bảo cơ sở vật chất, nguồn lực để xây dựng Tòa án hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng Tòa án điện tử, bước đầu hình thành phương thức tố tụng điện tử. Tăng cường hợp tác quốc tế.
Sau năm 2030 tiếp tục hoàn thiện thể chế phù hợp với tình hình mới như nghiên cứu thành lập Hội đồng Tư pháp quốc gia và chế định bảo vệ Hiến pháp bằng Tòa án; Tăng cường năng lực, cơ sở vật chất cho hoạt động của Tòa án; Nâng cao chất lượng Tòa án điện tử và hoàn thiện phương thức tố tụng điện tử.
Nguyên Anh