Loading...
Skip to main content

Đoàn công tác Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam kết thúc tốt đẹp chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc

(20/02/2023 15:36)

Từ ngày 14/02 đến ngày 16/02/2023, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Hàn Quốc, đoàn công tác Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã có 5 phiên làm việc với các chuyên gia của Tòa án tối cao Hàn Quốc.

Tại phiên làm việc đầu tiên, Ngài Park Hyun Soo, Thẩm phán trưởng Tòa án địa phương GwangJu chia sẻ về phương pháp viện dẫn và áp dụng án lệ của Hàn Quốc. Theo đó, ở Hàn Quốc, các bản án, quyết định do Tòa án tối cao tuyên án sẽ trở thành án lệ mà không phải thông qua thủ tục nào. Trong quá trình giải quyết vụ việc nếu có các vấn đề tranh cãi khó giải quyết, các Thẩm phán Hàn Quốc sẽ xem xét có án lệ nào liên quan, tương tự hay không; khi tìm thấy án lệ tương tự sẽ nhận định xem có thể áp dụng án lệ đó vào vụ việc đó hay không; khi nhận định có thể áp dụng được án lệ sẽ trình bày nội dung của án lệ tại phần giải thích pháp lý (gọi là tiền đề lớn), sau đó mới nhận định cụ thể về vụ việc. Qua trao đổi và thảo luận, Đoàn công tác đã hiểu rõ hơn về cách thức giải thích pháp lý, tìm hiểu cách viện dẫn án lệ của Tòa án Hàn Quốc, tìm hiểu về phương pháp và thứ tự xem xét án lệ của các Thẩm phán Hàn Quốc, làm như thế nào để chọn ra được án lệ áp dụng cho vụ việc đang giải quyết trong rất nhiều các án lệ.

image

Ngài Park Hyun Soo, Thẩm phán trưởng Tòa án địa phương GwangJu
chia sẻ về phương pháp viện dẫn và áp dụng án lệ của Hàn Quốc

Phiên làm việc tiếp theo, đoàn công tác tìm hiểu về việc tập hợp, quản lý, vận dụng án lệ do Bà Yoon Min, Thẩm phán, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu khảo sát chia sẻ. Việc tập hợp, quản lý án lệ do Thư viện Tòa án - cơ quan trực thuộc Tòa án tối cao Hàn Quốc tiến hành và phân loại theo các mức A, C, D+, D, E, X. Tùy thuộc vào mức phân loại của bản án, phạm vi công khai cũng khác nhau; có thể công khai đến công dân, trong nội bộ Tòa án hoặc chỉ có Thẩm phán thuộc Tòa án tối cao. Riêng mức độ X, bản án không chứa những nhận định có ý nghĩa, sẽ không đăng trên Thông tin pháp luật tổng hợp hoặc chỉ có thể tìm kiếm trong hệ thống phần mềm tìm kiếm bản án. Ngoài ra, Đoàn công tác cũng được chia sẻ phương pháp tuyên truyền án lệ tại Hàn Quốc rất đa dạng, án lệ có thể được phát hành thành ấn phẩm, đăng tải trên trang web, làm phim, đăng youtube… để người dân dễ tiếp cận và có thể hiểu được.

Ở phiên thứ ba, Giáo sư Lee Hwan Ki, Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp giới thiệu về kỹ năng soạn thảo bán án hình sự, cấu trúc của bản án hình sự tại Hàn Quốc. Giáo sư Lee Hwan Ki chia sẻ điều quan trọng nhất trong viết bản án là làm sao đương sự đọc hiểu và mang tính thuyết phục nhất, như vậy mới nâng cao độ tin cậy của các đương sự đối với bản án và phán quyết của Tòa án.

image

Bà Yoon Min, Thẩm phán, Vụ trưởng Vụ nghiên cứu khảo sát - phiên 2

Phiên thứ tư, nội dung về đào tạo soạn bản án đối với Thẩm phán mới được bổ nhiệm của Hàn Quốc do Ngài Choi Gyeong Seo, Giáo sư quản lý giảng dạy, Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp trình bày. Tại phiên này, Đoàn công tác được tìm hiểu về quy trình trở thành Luật gia và Thẩm phán mới của Hàn Quốc, khái quát việc đào tạo Thẩm phán mới được bổ nhiệm. Chương trình đào tạo Thẩm phán mới bổ nhiệm gồm bộ môn không sử dụng hồ sơ vụ án và bộ môn sử dụng hồ sơ vụ án. Bộ môn không sử dụng hồ sơ với nhiều chủ đề đa dạng dựa trên giáo trình hoặc tài liệu đào tạo như bài giảng về nghiệp vụ liên quan, bồi dưỡng phẩm chất Thẩm phán... Bộ môn sử dụng hồ sơ vụ án gồm môn chuẩn bị (tự học), môn thảo luận về vụ án thực tế (các vụ án có hiệu lực), môn soạn thảo bản án và môn tập nghị án.

image

Giáo sư Lee Hwan Ki, Viện nghiên cứu và đào tạo tư pháp chia sẻ kinh nghiệm tại phiên làm việc thứ 3

Tại phiên làm việc cuối cùng, Đoàn công tác Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam đã có buổi thảo luận và trao đổi với các chuyên gia của Hàn Quốc. Nhiều câu hỏi được đặt ra xoay quanh các nội dung tại 4 phiên làm việc như: Nếu Thẩm phán Hàn Quốc áp dụng sai án lệ có bị chế tài gì không, hình thức tuyên truyền phổ biến án lệ nào tại Hàn Quốc có hiệu quả nhất…

Thùy Dương


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 3265
Up to Top