Loading...
Skip to main content

Hội nghị trực tuyến giới thiệu về ChatGPT và các tính năng của Trợ lý ảo Tòa án

(26/05/2023 14:56)

Sáng ngày 26/5, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Trung tâm Không gian mạng Viettel tổ chức Hội nghị trực tuyến giới thiệu về ChatGPT và các tính năng của Trợ lý ảo Tòa án. Hội nghị được kết nối đến gần 800 điểm cầu trong hệ thống Tòa án nhân dân.

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu trung tâm có đồng chí Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh án Tòa án nhân tối cao; đồng chí Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; các đồng chí thành viên Hội đồng Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký viên Tòa án nhân dân tối cao.

Tại Hội nghị, chuyên gia Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel) đã trình bày chuyên đề “Giới thiệu về phần mềm ChatGPT và các tính năng mới của Trợ lý ảo Tòa án’.

ChatGPT là một AI (trí tuệ nhân tạo) giúp người dùng tạo các cuộc trò chuyện tự động và trả lời các câu hỏi về nhiều chủ đề và lĩnh vực khác nhau, là mô hình chatbot đàm thoại, do OpenAI nghiên cứu, phát triển, đưa ra thị trường từ ngày 30/11/2022. ChatGPT được phát triển dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model) GPT (GPT-3.5 hoặc GPT-4) của OpenAL. ChatGPT được huấn luyện bởi khoảng 45 TB dữ liệu văn bản, và tinh chỉnh từ phản hồi của người dùng, chỉ số IQ của ChatGPT được đánh giá đạt 147 điểm.

image

Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng phát biểu tại Hội nghị

Người dùng đặt câu hỏi và ChatGPT trả lời dưới dạng văn bản (Text). ChatGPT có khả năng trả lời tự nhiên mọi câu hỏi với nhiều hình thức và văn phong khác nhau.

ChatGPT có các chức năng chính như: Hỏi đáp, sinh nội dung văn bản, tóm tắt nội dung văn bản, dịch ngôn ngữ và hỗ trợ lập trình.

Ông Trần Mạnh Quân cho biết, bản chất là một thuật toán sinh ngôn ngữ, tổng hợp thông tin từ dữ liệu đã có, ChatGPT cũng có các nhược điểm như thông tin trả lời có thể không chính xác hoặc không tồn tại cập nhật dữ liệu. ChatGPT được huấn luyện từ nguồn dữ liệu mở trên Internet do đó có thể sinh ra câu trả lời sai hoặc thông tin không có trên thực tế. Ngay cả khi được học từ nguồn dữ liệu chính xác thì khi tổng hợp thông tin có thể tạo ra sự sai lệch. Chưa đảm bảo về tính cập nhật: Dữ liệu của ChatGPT mới chỉ cập nhật đến tháng 9/2021. Không thể cập nhật dữ liệu theo thời gian thực; Chưa cập nhật dữ liệu theo lĩnh vực, nghiệp vụ cụ thể. Chi phí tài nguyên để huấn luyện, sử dụng lớn: ChatGPT cần rất nhiều tài nguyên hạ tầng phần cứng để huấn luyện mô hình, cũng như triển khai cung cấp dịch vụ.

image

Chuyên gia Trần Mạnh Quân, Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel giới thiệu chuyên đề tại Hội nghị

Do đó, thông tin từ ChatGPT chỉ mang tính chất tham khảo. Người dùng cần chủ động kiểm chứng lại thông tin từ các nguồn uy tín. Sử dụng ChatGPT để gợi ý ý tưởng, nội dung như viết khung của một bài phát biểu, kịch bản hội nghị... Ông Trần Mạnh Quân nhấn mạnh.

Đối với phần mềm Trợ lý ảo Tòa án, đây là phần mềm có thể giải đáp thông tin hoặc thực hiện các nghiệp vụ trong một hoặc nhiều lĩnh vực cho người dùng, dựa trên các câu hỏi hoặc yêu cầu đầu vào; là công cụ trên máy tính, điện thoại, hỗ trợ Thẩm phán trong công việc hàng ngày, tập trung vào các nội dung chính: Giới thiệu pháp luật, hỗ trợ công việc và nghiệp vụ.

Trợ lý ảo Tòa án có các tính năng ưu việt như: Tra cứu bản án, tra cứu tình huống pháp lý, soạn thảo trực tuyến, hỗ trợ kiểm tra chính tả, mã hóa bản án, hỏi đáp với chatbot, đóng góp tình huống pháp lý, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ…

Kết quả khảo sát đối với 1031 đánh giá về độ hữu ích của Trợ lý ảo Tòa án thì có đến 840,65% đánh giá rất hữu ích; 441,34% đánh giá hữu ích và chỉ có 20,1% đánh giá chưa hữu ích. Về mức độ hài lòng, tỷ lệ chưa hài lòng chỉ chiếm 5,22% (68/1031 đánh giá).

Trong quá trình sử dụng, đã có nhiều ý kiến góp ý để làm giàu nguồn tri thức của Trợ lý ảo Tòa án bằng các giải pháp như: Bổ sung văn bản còn thiếu, tình hướng pháp lý thu thập thêm nhiều nguồn; cải tiến tiện ích thông minh ứng dụng AI giúp tìm kiến chính xác hơn; nâng cấp giao diện dễ hiểu, dễ sử dụng, trực quan hơn; cải tiến giao diện Web, tốc độ load; cải tiến ứng dụng trên điện thoại; nhận diện giọng nói tiếng Việt; bổ sung văn bản trước năm 1985; bổ sung thêm nhiều hướng dẫn cho từng điều, khoản, điểm; cập nhật thêm tình huống pháp lý, bổ sung thêm giải đáp; nên có thêm chức năng hỗ trợ tính án phí; cho phép tải về các văn bản…

image

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu Tòa án nhân dân tối cao

Phát biểu bế mạc Hội nghị, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Phạm Quốc Hưng đánh giá cao những tiện ích mà Trợ lý ảo mang lại cho hoạt động nghiệp vụ của Thẩm phán.

Để Trợ lý ảo ngày càng phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho hoạt động của Thẩm phán, của Tòa án các cấp, góp phần thực hiện cam kết với Hội đồng Chánh án các nước ASEAN là đến năm 2025 Tòa án Việt Nam có thể cơ bản hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng đề nghị các Tòa án tăng cường ứng dựng Trợ lý ảo; tham gia vào việc huấn luyện và làm giàu tri thức cho Trợ lý ảo bằng những hành động thực tế như bổ sung nguồn văn bản, đánh giá các câu trả lời của Trợ lý ảo để làm sao câu trả lời ngày càng hoàn thiện, qua đó giúp Trợ lý ảo ngày càng thông minh; đưa ra các vướng mắc để yêu cầu hướng dẫn, chia sẻ các tình huống, cách xử lý trong thực tiễn…

Nguyên Anh


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 813
Up to Top