Loading...
Skip to main content

Hội thảo về những chính sách lớn trong đề xuất xây dựng Luật phá sản (sửa đổi)

(21/11/2023 14:46)

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức Hội thảo về những chính sách lớn trong đề xuất xây dựng Luật phá sản (sửa đổi). Đồng chí Phạm Quốc Hưng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TAND tối cao chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có đồng chí Phạm Hồng Hà, Thẩm phán TAND tối cao; đồng chí Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng chí Trần Thị Phương Hoa, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp; bà Mina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế…và các chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu hoàn thiện pháp luật và hoạt động thực tiễn trong giải quyết các vụ, việc phá sản.

Luật phá sản năm 2014 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa 13 kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 19/6/2014, có hiệu lực từ ngày 01/010/2015, thay thế Luật phá sản năm 2004. Luật phá sản 2014 ra đời đã khắc phục được những hạn chế, vướng mắc từ thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2004, tạo ra khung pháp lý vững chắc cho việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Tuy nhiên, sau hơn 9 năm đi vào thực tiễn, bên cạnh những tiến bộ, tích cực; Luật phá sản 2014 cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định cần phải được nhìn nhận, giải quyết, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam có nhiều biến động, nhiều quan hệ kinh tế mới phát sinh; khoa học pháp lý liên quan đến lĩnh vực này cũng có nhiều cách tiếp cận và giải quyết hiệu quả cần được nghiên cứu áp dụng trong thực tiễn tại Việt Nam.

image

Đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết, nhằm tạo môi trường pháp lý bình đẳng, lành mạnh, hỗ trợ mọi loại hình doanh nghiệp cạnh tranh tồn tại trong sự tiến bộ, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), TAND tối cao tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về những chính sách lớn trong đề xuất xây dựng Luật phá sản (sửa đổi).

Hội thảo sẽ tập trung vào các nội dung chính như: Thủ tục phục hồi kinh doanh; hòa giải trong thủ tục phá sản; hoàn thiện pháp luật về trình tự, thủ tục giải quyết phá sản; chế định Quản tài viên; thành lập Tòa chuyên biệt; cơ chế giải quyết phá sản có yếu tố nước ngoài; áp dụng thủ tục hòa giải trong giải quyết các vụ việc phá sản… Đây là những vấn đề hết sức quan trọng, mang tính định hướng cho việc xây dựng Luật phá sản (sửa đổi). Đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng cho biết thêm.

image

Chuyên gia Tài chính cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế Mina Mocheva
chia sẻ kinh nghiệm về pháp luật phá sản

Để Hội thảo đạt được những kết quả mong muốn, đồng chí Phó Chánh án TAND tối cao Phạm Quốc Hưng mong muốn các đại biểu nhiệt tình tham gia, tích cực, chủ động trao đổi, thảo luận; đồng thời, khẳng định sự tham gia đóng góp ý kiến của các đại biểu tại Hội thảo sẽ giúp TAND tối cao củng cố thêm những cơ sở lý luận và thực tiễn về những chính sách lớn trong sửa đổi Luật phá sản lần này.

Tại Hội thảo, với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc, các đại biểu đã nhiệt tình trao đổi, thảo luận và đóng góp những ý kiến thiết thực, có giá trị đối với những nội dung lớn trong đề xuất xây dựng Luật phá sản (sửa đổi).

image

image

Đại biểu trao đổi, thảo luận tại Hội thảo

Bà Mina Mocheva, Chuyên gia Tài chính cao cấp của Tổ chức Tài chính quốc tế đã chia sẻ về kinh nghiệm quốc tế trong cải cách khung khổ pháp lý và pháp quy về phá sản.

Đồng chí Lê Hoàng Nhí, Giám đốc điều hành hệ thống Lê Hoàng đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc đối với Quản tài viên trong giải quyết phá sản và đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật phá sản.

Nguyên Anh


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 768
Up to Top