Loading...
Skip to main content

Kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”

(30/05/2024 09:39)

Thiết thực kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” (11/6/1948-11/6/2024), Tòa án nhân dân các cấp quyết tâm đẩy mạnh các phong trào thi đua theo hướng đa dạng, thiết thực và hiệu quả hơn nữa; nhằm động viên, cổ vũ cán bộ, công chức ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trọng tâm công tác.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Trước vận mệnh đất nước đang ở tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” vì thù trong, giặc ngoài, nạn đói, nạn dốt hoành hành khắp nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ việc động viên sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam là điều rất cần thiết để thực hiện nhiệm vụ cấp bách của cách mạng. Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến với ý chí “thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Sau chiến thắng Việt Bắc (Thu Đông 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đề ra sáng kiến tổ chức, lãnh đạo phong trào thi đua ái quốc để giành thắng lợi to lớn hơn. Ngày 27/3/1948, Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc, Chỉ thị xác định: “… mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, chính thức phát động phong trào thi đua ái quốc trên cả nước. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có sức lôi cuốn, động viên, hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hy sinh gian khổ, lập nên những chiến công hiển hách và thành tích to lớn trong sự nghiệp cách mạng nước ta. Thi đua đã thực sự trở thành một động lực cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh và thể hiện tập trung những nội dung cơ bản tư tưởng của Người về thi đua ái quốc; là văn kiện chứa đựng những chỉ dẫn quý báu, có giá trị sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn đối với phong trào thi đua yêu nước; đặc biệt là thể hiện sự rõ nét tính hệ thống và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, về xây dựng đời sống mới, xã hội mới, con người mới.

image

Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ IV

Từ nội dung của “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, những bài nói, bài viết và chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua thực tiễn, đã nâng “thi đua” lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị và phương pháp cách mạng. Thi đua để mọi người đều làm việc tốt hơn, nhiều hơn và “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và, những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Trải qua 76 năm qua, tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Ðảng và Nhân dân ta vận dụng sáng tạo trong từng giai đoạn cách mạng. Các phong trào thi đua đã động viên các tầng lớp Nhân dân vượt qua gian nan, thử thách và trở thành động lực to lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thực hiện lời dạy của Bác, cùng với cả nước, phong trào thi đua yêu nước trong hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng phát triển mạnh mẽ, sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân, các cấp, các ngành, với nhiều nội dung, hình thức phong phú, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ. Tòa án nhân dân tối cao đã phát động nhiều phong trào thi đua sôi nổi, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong toàn hệ thống Tòa án nhân dân và trong xã hội. Nhiều Tòa án địa phương, Tòa án quân sự đã sáng tạo, đổi mới cách làm, tổ chức nhiều phong trào thi đua với chủ đề hành động dễ nhớ, dễ thực hiện như: Phong trào thi đua xuyên suốt của Tòa án nhân dân “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư; phong trào “2 tăng, 2 giảm, 3 không trong công tác nghiệp vụ”; phong trào “Làm hết việc, không làm hết giờ”; phong trào “Cấp trên nêu gương, đơn vị kỷ cương, cấp dưới tự giác, công tác hiệu quả”; phong trào “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, quyết thắng”;…

Kết quả của các phong trào thi đua đã tạo ra khí thế sôi nổi, phấn khởi, động viên cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân các cấp nỗ lực phấn đấu; đề ra những sáng kiến, giải pháp, mô hình hay, mang tính đột phá; lập nên nhiều thành tích xuất sắc, ấn tượng. Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình, được Nhà nước, Chính phủ và Tòa án nhân dân tối cao phong tặng các danh hiệu cao quý. Đó là những phần thưởng cao quý, là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đối với những cống hiến to lớn của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân qua các thời kỳ cách mạng.

Trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và cải cách tư pháp trong giai đoạn mới đứng trước những thời cơ, thuận lợi là cơ bản, nhưng cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Yêu cầu của Đảng, của Nhân dân đối với hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng cao. Đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Tòa án nhân dân phải ra sức thi đua để lập những thành tích cao nhất hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Phát huy thành tích đã đạt được và những kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, tại Đại hội Thi đua yêu nước của Tòa án nhân dân lần thứ IV năm 2020, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã phát động phong trào thi đua “Vì công lý”, với mục tiêu chính là xây dựng hệ thống Tòa án ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

image

Vụ Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân tối cao quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ,
chào mừng kỷ niệm 76 năm này Bác Hồ ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”

Nhân kỷ niệm 76 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”, Thường trực Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Tòa án nhân dân đã tham mưu, đề xuất lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao phát động phong trào thi đua, các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống Toà án nhân dân và Đại hội Thi đua yêu nước Tòa án nhân dân lần thứ V, tiến tới Đại đội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ XI, với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, kỷ cương, vì công lý, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, mục tiêu chính của phong trào là: Tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm; tích cực học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực công tác; giữ vững và phát huy phẩm chất chính trị, kỷ luật công vụ, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, quyết tâm hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao vì mục tiêu xây dựng Tòa án nhân dân trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp và sự nghiệp đổi mới toàn diện của đất nước. Mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân người đứng đầu trong hệ thống Tòa án nhân dân đổi mới mạnh mẽ tư duy, phương thức hoạt động, khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, độc lập chỉ tuân theo pháp luật trong công tác chuyên môn xét xử, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Tòa án nhân dân phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu, bản lĩnh chính trị vững vàng, nỗ lực phấn đấu thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của mình, xứng đáng với niềm tin của Nhân dân.

Với truyền thống đoàn kết và tinh thần phấn đấu không ngừng nghỉ, cùng với việc thực hiện xuyên suốt phong trào thi đua “Vì công lý”, nhất định hệ thống Tòa án nhân dân sẽ giành được nhiều thắng lợi to lớn hơn nữa; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, phát triển hệ thống Tòa án trong giai đoạn mới.

Phạm Hồng Quyền


Ý kiến bạn đọc

0 Bình luận

Ý kiến bình luận

Đổi mã xác nhận

Các tin khác

Lượt xem: 1046
Up to Top