A. Giai đoạn từ 01/10/2002 đến 31/12/2012:
Căn cứ Luật Tổ chức Toà án nhân dân và Nghị quyết số 56/2002/QH10 đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá X, từ ngày 1 tháng 10 năm 2002, Toà án nhân dân tối cao thực hiện chức năng quản lý Toà án nhân dân địa phương về tổ chức, trong đó có công tác thi đua khen thưởng. Từ đó đến nay, Ban cán sự Đảng, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các đơn vị đã giành sự quan tâm thường xuyên tới công tác thi đua, khen thưởng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua khen thưởng; chính quyền và các tổ chức đoàn thể của các đơn vị đã có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động thi đua khen thưởng. Phong trào thi đua đã trở thành hoạt động thường xuyên trong mỗi đơn vị với sự tham gia tự giác, nhiệt tình của đại đa số cán bộ, công chức và nhân viên Toà án nhân dân các cấp.
Để hoàn thành tốt công tác thi đua, khen thưởng, ngày 01/9/2005 Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 1016/2005/QĐ-TCCB thành lập Phòng Thi đua - Khen thưởng trực thuộc Văn phòng Tòa án nhân dân tối cao.
Phòng Thi đua - Khen thưởng có chức năng giúp Chánh Văn phòng trong công tác tham mưu giúp Chánh án Toà án nhân dân tối cao thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua khen thưởng trong ngành Toà án nhân dân và có các nhiệm vụ sau đây:
a, Làm nhiệm vụ thường trực, giúp việc Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân;
b, Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất phương hướng, kế hoạch và nội dung công tác thi đua khen thưởng hàng năm của ngành Toà án nhân dân; xây dựng chính sách và các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Toà án nhân dân;
c, Hướng dẫn các đơn vị trong ngành Toà án nhân dân tổ chức các phong trào thi đua; kiểm tra, theo dõi, đôn đốc phong trào thi đua của các đơn vị;
d, Lập kế hoạch và tham gia tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng;
đ, Tổng hợp đề nghị khen thưởng của các đơn vị, tập thể và cá nhân trong ngành Toà án nhân dân để trình tại các phiên họp của Hội đồng thi đua khen thưởng ngành Toà án nhân dân;
e, Nghiên cứu, đề xuất hướng giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong công tác thi đua, khen thưởng;
f, Thực hiện các công việc khác theo quy định của Nhà nước về thi đua, khen thưởng.
Ngoài các chức năng, nhiệm vụ nêu trong Quyết định thành lập, Phòng Thi đua - Khen thưởng còn có nhiệm vụ giúp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân trong quá trình tham gia các hoạt động của khối thi đua các cơ quan nội chính trung ương.
B. Giai đoạn từ 01/01/2013 đến nay:
Tháng 12/2012, công tác thi đua khen thưởng trong hệ thống Tòa án nhân dân bước sang trang sử mới. Căn cứ Nghị quyết số 522a/NQ-UBTVQH13 ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ngày 26/12/2012, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ký Quyết định số 3199/QĐ-TCCB thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng thuộc bộ máy giúp việc của Tòa án nhân dân tối cao.
Vụ Thi đua - Khen thưởng có chức năng tham mưu, giúp Chánh án Toà án nhân dân tối cao và Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân tổ chức thực hiện và thống nhất quản lý nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tòa án nhân dân.
Vụ Thi đua - Khen thưởng có các nhiệm vụ sau đây:
1. Là đầu mối quản lý công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tòa án nhân dân; cụ thể hoá chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng và triển khai các cuộc vận động của Đảng và Nhà nước trong ngành Tòa án nhân dân; xây dựng các văn bản hướng dẫn về công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành Tòa án nhân dân; xây dựng các chương trình, kế hoạch, nội dung công tác thi đua, khen thưởng; chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đề tài, đề án liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng của ngành Tòa án nhân dân;
2. Là cơ quan thường trực của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân; tổ chức phát động phong trào thi đua, sơ kết, tổng kết công tác thi đua, khen thưởng trong toàn ngành Toà án nhân dân; tổng hợp, thẩm định hồ sơ đề nghị khen thưởng của các đơn vị để trình tại các phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân;
3. Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện công tác thi đua, khen thưởng của các đơn vị trong ngành Tòa án nhân dân; giải quyết các khiếu nại, tố cáo về công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tòa án nhân dân; xác nhận hình thức khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân ngành Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật;
4. Tổ chức trao tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng; tổ chức tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng, về các tấm gương người tốt việc tốt, các điển hình tiên tiến trong các phong trào thi đua của ngành Toà án nhân dân; quản lý Phòng Truyền thống của ngành Tòa án nhân dân; chủ trì thực hiện việc biên tập, phát hành tài liệu, bản tin chuyên đề, phim tư liệu tuyên truyền về ngành Tòa án nhân dân;
5. Lập kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ về công tác thi đua, khen thưởng cho cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng trong ngành Tòa án nhân dân;
6. Phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc xây dựng, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua, khen thưởng; quản lý và tổ chức cấp phát các loại ấn phẩm, tài liệu, quà tặng phục vụ hoạt động thi đua, khen thưởng của ngành Toà án nhân dân;
7. Thực hiện các công việc khác theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng ngành Toà án nhân dân về công tác thi đua, khen thưởng.
Cơ cấu bộ máy tổ chức và biên chế của Vụ Thi đua - Khen thưởng:
1. Vụ Thi đua - Khen thưởng có các Phòng chuyên môn.
2. Vụ Thi đua - Khen thưởng có Vụ trưởng, các Phó Vụ trưởng, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và các cán bộ, công chức khác.
3. Biên chế của Vụ Thi đua - Khen thưởng không quá 20 người, được điều chỉnh trong tổng số biên chế của Tòa án nhân dân tối cao.